Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

Triển lãm thư pháp Việt- Cảm hứng TRỊNH





Trịnh như những cảm xúc rất quen thuộc 
không chỉ trong con tim của những ai yêu nhạc, 
yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống thân quen, yêu cái nhìn .

Trịnh Công Sơn là những cảm xúc không chỉ của lời nhạc, 
giai điệu sâu lắng, cái tính triết nhân sinh qua đôi lần cảm thụ 
của mỗi người mà còn lại một chút gì rất lặng lẽ trong con tim của mỗi ai từng biết về ông. 
Thư pháp Việt với những đường nét tinh tế, thô ráp, mộc mạc, 
trữ tình, an lạc,... một lần nữa cùng bay bổng 
trong những kỷ niệm với ngày ra đi của người nhạc sỹ đa tài này...

Ngày 25/3/2013, tại cafe SIENA Q3 TP HCM đã diễn ra buổi triển lãm thư pháp Cảm Hứng Trịnh của 2 nhà thư pháp Minh Hoàng và Mỹ Lý. Cùng với bạn hữu Thanh Hằng và Tuệ Chiếu, tạo nên 1 không gian rất Trịnh.

Với nét bút mạnh mẽ, toát lên cái hồn con chữ của nhà thư pháp Mỹ Lý, tạo nên những không gian tranh Trịnh đẹp và thanh thoát.



 


Là tay bút chủ lực của buổi triển lãm, với phong cách trẻ, đầy sự phá cách của Thư pháp Minh Hoàng tạo nên không gian Trịnh táo bạo, trẻ trung. 







Với những câu thơ, bài hát Trịnh, hòa hợp cùng con chữ Việt tạo nên những mảng tranh chữ đầy sức thuyết phục. Ngoài ra, còn có buổi tặng chữ cho khách tham quan và thức uống độc đáo tại cafe SIENA, sẽ mang lại cho bạn một khoảng không tuyệt vời, nhẹ nhõm và an vui...









Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2013

Tinh tế nét văn hóa trà đạo


1. Mùa xuân là mùa đẹp để uống trà xanh

Theo các nghệ nhân trà đạo, mùa cũng ảnh hưởng tới chất lượng và hương vị của lá trà. Trà xanh thường được thu hoạch trước lễ hội Qingming và lô trà tươi mới đầu tiên được gọi là Tân trà. 

 

Tân trà thường tươi hơn, thơm hơn đặc biệt là khi thưởng thức vào đúng mùa xuân. Các nghê nhân trà đạo thường nói rằng Tân trà tươi mới đến độ ngửi chén trà cứ tựa như ngửi thấy hương cỏ tươi mùa xuân thanh nhã. 

2. Thời điểm đẹp nhất để thưởng trà Tieguanyin là mùa thu

Trà Tieguanyin là một loại trà rất quý hiếm ở Trung Quốc, giống như một dạng trà Ô Long. Muốn thưởng trà này, bạn phải đợi đến mùa thu. Sau vụ trà xuân và hè, đến mùa thu, vị trà đã nhạt hơn, hương thơm cũng nhẹ nhàng hơn. Rất nhiều người ưa thích hương thơm thoang thoảng này của trà Tieguanyin. 

 

3. Đừng bao giờ rót đầy một chén trà

Không giống như trong văn hóa phương Tây, chén trà ở phương Đông chứa nhiều triết lý và ý nghĩa hơn. Đừng bao giờ đổ chén trà của bạn quá đầy vì như vậy được coi là một dấu hiệu của sự bất lịch sự. 

 

Người Trung Quốc cho rằng chén trà chỉ cần có 70% là trà, 30% còn lại là cảm xúc của người rót và người uống trà sẽ làm đấy chiếc chén đó. 

4. Nhiệt độ nước ảnh hưởng tới hương vị

Không phải loại nước sôi nào cũng phù hợp với trà. Nhiệt độ lý tưởng cho trà Long Tỉnh là 80 đến 90 độ C, 75 độ là nhiệt độ cho trà Bích Lan Xuân và nhiệt độ tuyệt đối 100 độ C là dành cho trà Ô Long. 

Nếu nhiệt độ quá cao so với nhiệt độ chuẩn thì hương thơm sẽ không còn nữa, nếu nhiệt độ quá thấp thì độ đậm của trà chưa tới. 

 

5. Trà Kungfu cho người sành trà

Trà Kungfu không phải là một loại trà hay võ nghệ gì mà là quá trình pha trà. Nghệ thuật nằm ở cách kết hợp lượng lá trà vừa phải, nhiệt độ ca, thời gian pha chế, cách chọn ấm pha trà khác nhau như ấm bằng đất sét tím, hay ấm bằng sành…

 

6. Xem lá trà kỹ lưỡng

Muốn biết trà ngon hay không bạn cần xem kỹ lưỡng lá trà xem liệu chúng có còn tươi và xanh không, trừ loại trà Pu’er. Đây là một loại trà đen Vân Nam rất đặc biệt. Với trà Pu’er, bạn phải nếm, nếu hương vị trà hơi đắng pha chút ngọt, đó đúng là trà Pu’er hảo hạng. 

 

7. Một số loại trà chữa viêm họng

Trà La Hán quả là loại thuốc chữa viêm họng truyền thống của người Trung Quốc. Quả La Hán thường thấy ở miền Nam Trung Quốc hoặc Bắc Thái Lan có tác dụng giữ giọng, giảm viêm họng nếu uống liều lượng vừa đủ. 

 

8. Trà đen tốt cho dạ dày, và tinh thần

Trà đen là liều thuốc hữu hiệu cho các bệnh đường ruột. Công dụng của trà đen tốt đến độ người ta cho rằng chỉ cần vài lá trà đen là đã đủ để giảm đau bụng. Ngoài ra, uống trà đen cũng làm cho tinh thần sảng khoái, giảm stress. 

 

9. Trà hoa sói và trà hoa cúc tốt cho dân văn phòng

Các nghệ nhân trà cho biết, loại trà tốt nhất cho dân văn phòng là trà hoa sói và trà hoa cúc. Trà hoa sói tốt cho mắt, nhất là với những ai hay phải làm việc với máy vi tính và trà hoa cúc sẽ làm giảm sự nóng trong và giúp tinh thần sảng khoái. 

 

10. Uống trà Ô Long nhiều vòng

Trà Ô Long là loại trà có thể pha được rất nhiều lần nước. Hương vị mạnh mẽ của nó có thể giữ được tới 8, 9 tuần trà trong khi trà xanh chỉ 4 tuần trà là bay hương. 

 

Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2013

Đảo Thư pháp và các yếu tố tạo hình trong chữ Việt


Để hình thành một bức thư pháp, điều đầu tiên phải nghĩ tới là tìm ra các yếu tố tạo hình của con chữ. Dùng nghệ thuật cách điệu các nét chữ theo một bố cục có chủ ý sẽ tạo nên một tác phẩm thư pháp – một bức tranh chữ theo ý muốn.

Ưu điểm nổi bật của chữ Hán – Nôm là chúng sẵn có nhiều yếu tố tạo hình và các yếu tố đó lại được sắp đặt trong một khuôn khổ vuông vức. Vì vậy, chưa cần đến nghệ thuật cách điệu, mỗi chữ Hán – Nôm đã có dáng dấp một bức tranh.
Đối với chữ Việt (theo hệ Latin), người ta khó tìm thấy các yếu tố tạo hình thuận lợi. Mỗi từ trong tiếng Việt thường bao gồm nhiều chữ cái, được sắp xếp theo hàng ngang một cách đơn điệu. Điều đó giải thích tại sao có một số người khẳng định: Không thể có cái gọi là thư pháp chữ Việt. Các tác giả thư pháp chữ Việt muốn tạo nên một bức thư pháp đều phải cố gắng sắp xếp các nét chữ sao cho chúng có thể ở trong một khuôn khổ “vuông vức” như chữ Hán. Nếu tài nghệ không cao, các nét chữ có thể bị biến dạng một cách tùy tiện gây phản cảm cho người xem. Đó cũng là lý do khiến người ta chê bai thư pháp chữ Việt. Người ta cho các tác giả đang làm “bẩn” chữ Việt. Qua những gì đã thấy trong thời gian vừa qua, ta có cảm giác các tác giả rất lúng túng trong việc xử lý các yếu tố tạo hình (vốn rất ít ỏi) của chữ Việt để tạo nên các tác phẩm thư pháp có tính thuyết phục cao. Nói cách khác họ đã thất bại. Nguyên nhân thất bại có thể là họ chưa nắm được nghệ thuật tạo hình, cũng có thể do họ chưa tìm hiểu kỹ đặc điểm của chữ Việt, chưa phát hiện và khai thác tốt các yếu tố tạo hình của các chữ.
Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin giới thiệu sơ lược một phát hiện khá lý thú về chữ Việt. Đó là Đảo thư pháp.
Để dễ hình dung, tôi xin lấy  hai từ làm ví dụ: Chữ Việt
chu viet Đảo Thư pháp và các yếu tố tạo hình trong chữ Việt
Bây giờ chúng ta hãy lật trái và xoay dọc hai từ đó.
chu viet2 Đảo Thư pháp và các yếu tố tạo hình trong chữ Việt
Nhìn kỹ hai từ này ta thấy gì?
Ta sẽ thấy khá rõ các yếu tố tạo hình. Trước hết chúng ta thấy mất đi cảm giác chữ bị dàn trải theo hàng ngang. Ngược lại, ta có cảm giác các nét chữ hình như bị co lại khá gọn gàng. Mặt khác các dấu giọng của chữ trở thành các yếu tố điểm xuyết tạo cho bố cục của chữ hài hòa hơn.
Những phát hiện trên giúp người ta dễ dàng tạo hình cho chữ, nhất là khi họ nắm vững nghệ thuật bố cục, và nghệ thuật tạo hình. Người viết chỉ cần cách điệu các nét chữ một chút là có thể tạo nên một bức tranh chữ không tồi.
Một điều rất quan trọng nữa là việc tạo hình (cách điệu) các chữ rất thoải mái rất ít bị lệ thuộc vào những quy định khắt khe vì luật chữ cũng như lối viết như chữ Hán. Đặc điểm này giúp các tác giả rất thoải mái khi tạo hình con chữ.
Dưới đây tôi xin giới thiệu một loạt cách tạo hình hai từ “Chữ” “Việt”.
chu viet3 450x316 Đảo Thư pháp và các yếu tố tạo hình trong chữ Việt
chu viet4 450x350 Đảo Thư pháp và các yếu tố tạo hình trong chữ Việt
Nhìn vào các chữ trên ta thấy rõ các đặc điểm sau:
  • Cùng một chữ nhưng các nét có thể sắp xếp hoàn toàn khác nhau, tạo ra các hiệu quả khác nhau. Rõ ràng ta đã khai thác được các kiểu chữ khác nhau khi viết xuôi để diễn tả một cách rất đa dạng khi viết ngược. Đó là ưu điểm rất căn bản giúp người viết nhiều thuận lợi khi sáng tác. Nó không bị hạn chế bởi luật chữ, luật viết như đối với chữ Hán Nôm.
  • Sự cách điệu các nét chữ không hề gây  phản cảm cho người xem, nếu như tác giả sử dụng tốt nghệ thuật bố cục trong nguyên lý tạo hình. Tại sao? Bởi vì cái cảm giác đầu tiên gây ra cho người xem không phải là họ muốn biết đó là chữ gì mà là vẻ đẹp của bố cục. Sau đó họ mới tự hỏi đó là chữ gì. Nếu đó là chữ viết xuôi thì có thể gây ra cho người xem cảm giác khó chịu, nếu tác giả biến dạng quá đáng, tùy tiện con chữ. Nhưng đây là chữ viết ngược nên gây ra cho người xem một cảm giác tò mò giống như đứng trước một câu đố cần tìm lời giải. Khi đã biết cách đọc, người ta sẽ có cảm giác thú vị.
Tôi đã nhiều lần thể nghiệm điều này trước các đối tượng khác nhau. Hầu hết đều nhận thấy hiệu ứng tích cực của lối viết này. Hội Mỹ thuật Việt nam đã cho đăng bài viết của tôi :” Có một kiểu thư hoạ Việt nam” trong tạp chí nghiên cứu Mỹ thuật của Hội, số 96(61) (1-2004). Trong bài viết này tôi trình bày những luận điểm cơ bản về Đảo Thư pháp. Trong dịp họp mặt Việt kiều tại khách sạn Hinton, Hà nội, Đảo thư pháp Việt nam đã được  mọi người hưởng ứng nhiệt thành. Đài truyền hình Hà nội cũng đã phát sóng sự kiện này. Mới đây VTV3 cũng đã giới thiệu cách viết của tôi trong chuyên mục “ Những chuyện lạ Việt nam “.
Cũng như thư pháp Tiền vệ, lối viết này, thực tế, là sự phá cách trong nghệ thuật thư pháp. Nó thoát khỏi sự gò bó của những luật lệ quá chặt chẽ của thư pháp truyền thống. Nó mở ra một lối thoát đầy triển vọng của Thư pháp chữ Việt. Có một số người cho rằng Thư pháp chữ Việt hiện đang  ở trong giai đoạn phát triển manh mún, chưa có một cơ sở lý luận hoàn chỉnh đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của nó và muốn rằng nó phải có một bộ luật chặt chẽ như đối vớì thư pháp truyền thống. Đối với Đảo thư pháp Việt nam, tinh hình khác hẳn.
Như đã nói ở trên, giống như Thư pháp Tiền vệ, Đảo thư pháp Việt nam đã bứt ra khỏi sự rang buộc quá chặt chẽ của luật viết ( như đã có ở thư pháp truyền thống).  Mặt khác, cần phải thấy rằng trong bất kỳ bức thư pháp nào cũng không thể thiếu các yếu tố tạo hình. Điều đó có nghĩa yếu tố tạo hình quyết định sự sống còn của Thư pháp. Sự phát hiện các yếu tố tạo hình  trong Đảo thư pháp đảm bảo vững chắc cho sự tồn tại và phát triển của nó.
Một điều hết sức quan trọng nữa là cần phải có những tiêu chí để đánh giá sự thành công của các tác phẩm Đảo thư pháp. Đó là những cái đích mà các nhà thư pháp phải đạt tới, là những căn cứ gíúp các nhà phê bình thư pháp tránh đươc sai lầm khi phê phán  như trong thời  gian qua.
Những tiêu chí đó là gì ?
Giống như Thư pháp Tiền vệ, Đảo thư pháp Việt nam, sau khi thoát khỏi sự ràng buộc nghiệt ngã của luật viết, tiêu chí để đánh giá các tác phẩm của nó nằm ở nghệ thuật tạo hình, bởi một lẽ giản đơn là các tác phẩm của nó thực chất là các tác phẩm tạo hình. Nghệ thuật tạo hình, như ta biết, được xây dựng trên hệ thống lý luận và thực tiễn khá hoàn chỉnh. Tuy nhiên, khác với tác phẩm hội hoạ, một tác phẩm thư pháp còn phải tuân theo một yêu cầu nữa là phải thể hiện chữ viết và chữ viết đó phải đọc được. Lúc đầu, để đọc Đảo thư pháp một cách dễ dàng, ta có thể đọc qua gương soi. Khi đã quen, ta có thể đọc trực tiếp một cách dễ dàng.
Nhân tiện, tôi xin nói thêm một điều : Mặc dù đều có xu hướng phá cách, nhưng không giống Tư pháp Tiền vệ, Đáo thư pháp chỉ dùng các yếu tố tạo hình của bản thân chữ viết, còn trong Thư pháp Tiền vệ, ngoài các nét chữ vốn có, người ta còn sử dụng thêm các yếu tố ngoại lai để tạo hình. Vì lý do đó, nhiều người cho rằng Thư pháp Tiền vệ không phải là thư pháp hoặc gọi nó là “ phản thư pháp “.
Qua những điều đã trình bày ở trên, có thể rút ra ba kết luận:
  • Một là Đảo thư pháp Việt nam hoàn toàn bình đẳng với bất kỳ loại Thư pháp nào trên thế giới.
  • Hai là, do việc phát hiện các yếu tố tạo hình phong phú không kém Thư pháp chữ Hán, Đảo thư pháp Việt nam có cơ sở vững chắc để tồn tại và phát triển.
  • Ba là Đảo thư pháp Việt nam  dựa trên nền tảng khoa học về thẩm mỹ trong tạo hình. Cái đẹp của Đảo thư pháp là kết quả của mỹ cảm, mà mỹ cảm lại có căn nguyên từ yếu tố đẹp nằm trong bản thân đối tượng ( chữ viết ngược ). Cái đẹp của Đảo thư pháp còn được thể hiện trên phương diện thủ pháp nghệ thuật, nhằm phát huy tối đa hiệu quả tạo dáng trên nền tảng nguyên lý tạo hình. Rõ ràng, sự phá cách trong Đảo thư pháp không hề tuỳ tiện, nó tuân thủ những qui luật, những nguyên lý trong nghệ thuật tạo hình và do đó nó có các tiêu chí rõ ràng để đánh giá và vươn tới.
Tôi xin được nhấn mạnh một điều: Có thể có những tác phẩm cụ thể của những tác giả cụ thể làm bẩn chữ Việt, không  bao giờ  nên “vơ đũa cả nắm”, coi Thư pháp chữ Việt làm bẩn chữ Việt.
Cuối cùng tôi chân thành mong muốn kết giao với những ai yêu thích Đảo thư pháp chữ Việt trong một Câu lạc bộ để giúp nhau phát triển loại hình thư pháp này. Quý vị và các bạn neus có hứng thú với loại hình này có thể liên hệ theo thông tin bên dưới.
Đầu bài viết đã giới thiệu một bức, dưới đây xin giới thiệu thêm 1 bức Đảo thư pháp để quí vị tham khảo (có thể đọc trực tiếp hoặc đọc qua gương).
chu viet6 Đảo Thư pháp và các yếu tố tạo hình trong chữ Việt
Tác giả bài viết: Phạm Đức Nhuận

Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013

Họp mặt thư pháp đầu xuân 2013- Thạch Thư Xá

Ngày 3/3/2013, tại Thạch Thư Xá đã tổ chức buổi giao lưu kinh nghiệm, chia sẻ sâu sắc về bộ môn Thư pháp Chữ Việt! Với những người tâm huyết về bộ môn này đã đến tham dự và cùng nhau chia sẻ nhiệt tình, đóng góp ý kiến để cùng nhau đưa bộ môn Thư Pháp Việt đi lên theo chiều hướng tốt! Đồng thời đẩy những sáng tạo của mình vào con chữ!

Buổi họp mặt có những bật tiền bối, cũng có những người còn rất trẻ, họ tuy khác nhau về kinh nghiệm sống, khác nhau về bút pháp cũng như châm ngôn sống nhưng đều có chung 1 niềm yêu quý đam mê Thư Pháp Việt.

Cuối buổi, thư xá còn tổ chức tặng chữ cho nhau với mong muốn truyền đạt con chữ của mình đến mọi người để cùng nhau học tập và rèn luyện!

Hãy ghé thăm Thạch Thư Xá, bạn sẽ thấy được nét đẹp con chữ tại giữa lòng thành phố và sẽ được trải lòng ngay trong cuộc sống bộn bề này!

(Thạch thư xá 31 Xuân Hồng P12 Quận Tân Bình)


Thư Pháp Mỹ Lý tặng chữ cho mọi người!


Cùng trao đổi và đóng góp ý kiến!


Thư pháp Mạc Văn Quân và thư pháp Đào Chiến!