Tính bảo tồn và giao thoa văn hóa của chữ viết- sự đa dạng và phong phú của nghệ thuật viết chữ vốn dĩ đã trở thành một phần thiết yếu trong đời sống thưởng ngoạn nghệ thuật của con người ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Cơ bản bởi vì nó gìn giữ những giá trị chân thiện mỹ của một nền văn minh nhân loại. Trải dài xuyên suốt từ thời kì sơ khai, thuở con người chưa hình thành chữ viết cho đến ngày nay, đã có rất nhiều quốc gia trên thế giới xuất hiện một loại hình nghệ thuật tôn vinh giá trị của chữ viết mà ta gọi chung đó là THƯ PHÁP. Vậy, giá trị của thư pháp tồn tại bao gồm những phương diện nào, và cái hay, cái độc đáo của loại hình này thể hiện như thế nào?
Trước hết, chúng ta tạm chọn ra 6 nền thư pháp độc lập trên thế giới làm dẫn chứng. Tiên phong là thư pháp Trung Hoa- anh cả của nghệ thuật chữ viết. Nhắc đến thư pháp Trung Hoa, là nhắc đến giá trị của linh hồn tự tôn dân tộc. Chữ viết của họ đã tồn tại từ rất lâu đời, và thư pháp không chỉ dừng ở tính nghệ thuật mà còn dần trở thành phương tiện truyền tải ngôn ngữ chính. Phương pháp viết chữ của người Trung Quốc hình thành từ quy tắc đến quy tắc, tức là họ tôn trọng những luật lệ viết chữ một cách chuẩn mực. Vì vậy, thư pháp Trung Hoa toát lên cái thần lực, cái dũng khí của người cầm bút, thổi vào đó linh hồn của con người, từ đó làm sống dậy nghệ thuật thư pháp.
Tiếp tục, chạy về hướng mặt trời mọc của xứ sở hoa anh đào, nơi tồn tại cái gọi là một nền thư đạo cổ truyền- Thư đạo Nhật Bản. Sở dĩ, thư pháp trở thành một phần thuật đạo trong đời sống của người Nhật bởi vì họ xem việc viết chữ như một phần thúc đẩy lý trí và tâm hồn hướng về mặt thiêng liêng. Công việc của các nhà thư đạo là truyền tải đạo lý nhân sinh, thông qua nghệ thuật chữ để khắc họa nghệ thuật sống. Họ không khuôn khổ, họ tự do. Cái mà thư đạo Nhật Bản hướng tới là sự tự do và nhân sinh quan của con người, từ đó hình thành giá trị tâm hồn của chữ viết cũng như của xã hội.
Ta sẽ dễ dàng nhận thấy ngày nay, ngành công nghiệp giải trí đi đầu không thể thiếu tên của Hàn Quốc- người bạn luôn chạy đua với tinh thần giải trí cao độ. Và vì vậy, Thư nghệ Hàn Quốc cũng không ngoại lệ. Nếu như người anh cả Trung Hoa đi từ Mỹ Học đến Nhân Học, người anh hai Nhật Bản đi từ Mỹ Học đến Thuật Đạo thì đứa em Hàn Quốc xây dựng tinh thần Mỹ Học hướng đến giá trị giải trí và nghệ thuật sống. Đối với thư nghệ Hàn Quốc, họ đưa nó vào một môi trường nhẹ nhàng hơn, mơ hồ và lộng lẫy hơn trong bộ trang phục thời thượng nhưng vẫn giữ đủ giá trị văn hóa cổ truyền. Như vậy, thế hệ nào cũng sẽ dễ dàng tiếp cận được với cái đẹp mà thư nghệ Hàn Quốc đang tồn tại.
Ẩn sau một nền văn hóa đề cao sự quan trọng của tôn giáo là nền thư pháp Ả Rập. Vốn dĩ, con người luôn hiện hữu trong mình một đức tin về một Đấng bảo hộ, và họ thờ tự, tín ngưỡng điều đó, một phần nhỏ được nhắc đến là việc dùng thư pháp theo một cách rất riêng để thể hiện sự tín ngưỡng của mình. Ngày nay, thư pháp Ả Rập còn hướng đến cả về mặt nghệ thuật sáng tạo và toát lên cái đẹp của cả tôn giáo lẫn đời sống nhân loại.
Như vậy, những giá trị cổ truyền đã hội tụ rất nhiều ở các quốc gia phương Đông, thế thì ở Tây phương, chúng ta có gì? Một cách nào đó, nó đã bền bỉ tồn tại từ khi nào thì không ai rõ chính xác thời gian địa điểm nhưng ai cũng biết rằng, thư pháp phương Tây (Calligraphy) trở thành một trào lưu viết chữ vừa phục vụ cho đời sống nghệ thuật, vừa phục vụ cho đời sống hiện thực của con người. Cái đẹp và cái đủ bổ trợ cho nhau tạo nên sự hiện đại của Calligraphy một cách rất tinh tế.
Và cuối cùng, sự chào đời của bé Út thư pháp Việt trở thành một điểm sáng trong đời sống thưởng thức nghệ thuật chữ viết nhân loại. Ấy vậy mà nó bỗng vô tình gây ra một cuộc nội chiến giữa cái cũ và mới, giữa cái lớn và nhỏ, giữa quá khứ và hiện tại đến tương lai. Không quan trọng điều đó, hãy quan tâm đến hiện thực, thư pháp Việt Nam tồn tại song song giữa nghệ thuật thư pháp Hán Nôm và nghệ thuật thư pháp Quốc Ngữ. Phải chăng đó là sự tích góp đáng trân trọng và cần phải phát triển, bởi rằng một nền thư pháp Hán Nôm đủ đầy tinh thần văn hóa cổ sẽ nuôi dưỡng một nền thư pháp trẻ mang hơi hướng hiện đại nhưng thật tinh tế và truyền thống ấy đã góp phần làm đẹp đời sống tích cực của giới trẻ, hướng người trẻ đến CHÂN THIỆN MỸ thông qua nghệ thuật chữ viết dân tộc. Nên hòa hợp chứ đừng hòa tan, nên tiến thẳng chứ đừng lùi bước, nên mở rộng chứ đừng thu hẹp. Đó mới gọi là LƯU GIỮ HỒN CHỮ DÂN TỘC VIỆT NAM.
Quay lại cho câu hỏi: "Vậy, giá trị của thư pháp tồn tại bao gồm những phương diện nào, và cái hay, cái độc đáo của loại hình này thể hiện như thế nào?" Xin thưa: nó tồn tại trên 3 phương diện- Nội dung, Hình thức và quan trọng hơn hết à Nội hàm ý nghĩa. Nội dung thể hiện tính chân thực, hình thức thể hiện tính thẩm mỹ, và nội hàm ý nghĩa thể hiện tinh thần thiện chí của một tác phẩm nghệ thuật thư pháp.
Hãy tìm đến giá trị của chữ Viết giữa mênh mông rộng lớn thế giới nghệ thuật, để tìm về cho mình chút bình yên của cuộc sống và thăng hoa đời sống tinh thần yêu chuộng đạo lý, yêu chuộng cái đẹp. Người ta thường nói: "Nhất chữ nhì tranh tam sành tứ kiểng" là như thế đó!
Xuân Thành thư pháp
Sài Gòn 27-5-2018