Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2021

CÁI TÔI trong thư pháp VIỆT

Thư pháp của tôi có thể đẹp hoặc không đẹp, đó là phụ thuộc vào gu thẩm mỹ và mắt nhìn của mỗi cá nhân. Nhưng chắc chắn thư pháp của tôi viết ra phải là cảm xúc của tôi và phải thật là TÔI!

Khi phóng bút, tôi đặt cảm xúc của mình lên hàng đầu. Tôi nghĩ: câu chuyện của mình viết lên từ con chữ nó cũng giống như chính hành trình mà mình đã đi qua, vui, buồn, có đủ...

Vì thế có những lúc, chữ tôi sẽ khác, nhưng khác về phần hồn, về phẩn cảm xúc nhưng nhìn chung, vẫn nhận ra đâu đấy, tinh thần của chính tôi trong chữ.



Đó là cái riêng khi người nghệ sỹ lao động mỗi ngày, luyện tập, học hỏi, khai phá bản thân với nhiều cái mới, tự đặt ra mục tiêu phấn đấu và luôn luôn làm mới mình. Con đường đó, là con đường gồ ghề, nó vẫn trải đầy hoa hồng, nhưng nó đầy gai, và buộc ta phải đổ xương máu ra vì nó.

Thư pháp cũng thế. Tôi vẫn thường nhắn nhủ với các học trò mình: hãy làm mới mình, đừng mãi luyện theo nét chữ của một ai đó kể cả tôi. Khi bạn đã thực sự vững vàng, hãy tìm cho mình một nét riêng để định hình, để phục vụ, để cống hiến hay đơn giản để được là chính mình!

Nghệ thuật nói chung hay thư pháp nói riêng: Phát triển khi nó đa dạng, muôn hình vạn trạng và tính cá nhân được đề cao. Đừng để nghệ thuật bị biến thành một cái khuôn và chúng ta chỉ mãi là người đổ khuôn!

XT

SG 2/12/2020

QUY TẮC "3 THƯỞNG" KHI THƯỜNG THỨC TÁC PHẨM THƯ PHÁP VIỆT

Dạo gần đây tôi thấy mấy bạn, mấy anh, mấy chị học thư pháp nhiều như nấm mọc lên sau mưa. Đó có thể tạm gọi là một tín hiệu vui nhưng chưa chắc tốt. Bởi, học mà không hiểu thì học vô nghĩa, biết viết mà không biết phân tích đường nét, hướng bút của mình viết ra thì khác nào cái máy chép chữ.

Chưa kể, một số người học thầy và bị "lầm tưởng" rằng thầy mình là nhất, là chuẩn mực, nên cứ nghĩ ai viết khác thầy mình và định hình tư tưởng khác thầy mình là sai! Vâng, đó là bạn sai!

Thư pháp Việt vốn dĩ đang ở giai đoạn phát triển trên nền tảng chưa vững chắc bởi có quá nhiều hệ thống lý luận khác nhau, được viết ra dựa trên sự tự phát và tự tìm tòi, học hỏi là chính. Nên chưa thể đúc kết được, đâu mới là chuẩn chung của thư pháp quốc ngữ. Thông qua đó, ta có thể thấy, mặt tích cực của thư pháp Việt hệ quốc ngữ hiện tại là sự đa dạng, phong phú và sáng tạo không gò bó trên khuôn khổ chấp nhận được về tính thẩm mỹ và tính nhân văn của chữ viết. Song, mặt tiêu cực dẫn đến đó là sự tự phát hàng loạt, và sự không đồng nhất trong việc nghiên cứu và đưa ra hệ thống lý luận chung cho cả lý thuyết lẫn thực hành.

Tạm gác lại vấn đề "muôn thuở" của câu chuyện trên, ta hãy chú tâm hơn vào việc: làm sao để thư pháp Việt tồn tại được và sống được mạnh mẽ trong nhu cầu thưởng ngoạn của công chúng hiện nay?

Tôi tạm đưa vào bài viết này quy tắc 3 "THƯỞNG" của cá nhân tôi nhận định về cách nhìn và cách cảm về thư pháp của công chúng. Nếu có gì sai, sót, mong quý vị cùng chia sẻ và góp ý thêm để chúng ta dần dần có thêm được nhiều nhận thức mới mẻ, phát triển hơn về thư pháp Việt.

1. Thưởng thức thẩm mỹ qua giá trị nghệ thuật của thư pháp:

Thư pháp đẹp là một tác phẩm thư pháp có chú trọng vào chương pháp, bút pháp và mỹ thuật học. Chương pháp tốt sẽ tạo nên giá trị tổng thể về sự cân đối và hài hòa của tác phẩm. Bút pháp tốt sẽ khẳng định được độ chín mùi và thâm niên cầm bút của người viết. Bên cạnh đó, yếu tố mỹ thuật cũng quan trọng không kém trong việc xây dựng giá trị nghệ thuật cho tác phẩm thư pháp.

2. Thưởng thức nội dung qua giá trị nhân văn của thư pháp:

Thư pháp thật sự trở nên có ý nghĩa khi hiện hữu lên trên tác phẩm là tâm ý của người viết, có sự chọn lọc nội dung và tâm tư tình cảm được gửi gắm thông qua lời văn, câu chữ. Thực chất, giá trị cao đẹp nhất của nghệ thuật thư pháp là tính tương tác của người viết và người xem, tinh thần truyền tải những giá trị giáo dục và nhân văn thông qua phần nội dung tác phẩm.

3. Thưởng thức sự tự hào dân tộc qua giá trị văn hóa truyền thống của thư pháp:

Có thể nói, thư pháp Việt đang sống và làm tốt sứ mệnh của nó- đó là lan tỏa giá trị truyền thống của dân tộc thông qua chữ viết. Khơi dậy vào tiềm thức của người xem một sự tự hào về một đất nước có bề dày lịch sử hào hùng để rồi có được một hệ thống ngôn ngữ, chữ viết riêng, và giờ được nâng tầm lên thành một "thú chơi" nghệ thuật, tiến tới định hình một bộ môn nghệ thuật đầy giá trị.

Trên đây tôi vừa đề cập đến 3 giá trị thưởng thức của công chúng đối với thư pháp. Tuy nhiên, buồn thay khi đó chưa phải là những vấn đề đáng được quan tâm khi chọn lựa mua hay viết một tác phẩm thư pháp, mà một số vấn đề được đưa lên ưu tiên hàng đầu đó là: Bao nhiêu tiền? Đắt hay rẻ? To hay nhỏ? Và viết như nào cho hợp mệnh, hợp tuổi? Và viết màu đen là xui, màu đỏ là may mắn? Người viết phải già dặn, có râu hay không râu? Là thầy hay là trò viết? Có phải sư thầy viết sẽ giá trị hơn người bình thường viết? Vv...vv...vv...

Vậy thì? Liệu, phải định hướng cho công chúng hiểu được? Đâu mới là tiêu chí tiên quyết và đâu là những tiêu chí cần loại bỏ.

Quả thật, đó là một bài toán khó nhưng chưa chắc là không thể giải được.

Việc cần làm cuối cùng của những người viết chữ là trau dồi kỹ năng chương pháp lẫn bút pháp, và tìm hiểu thêm nhiều hơn kiến thức về lý thuyết của hầu hết các hệ thống thư pháp nước bạn gần ta như Trung, Nhật, Hàn, có khi là cả Calligraphy của phương Tây, thế mới mong một ngày hoàn thiện hơn cho nền thư pháp quốc ngữ đương thời, định hình cho lớp sau một cái nhìn chung để cộng đồng thư pháp trẻ có bước đi vững vàng hơn và tự tin hơn.


SỰ LIÊN KẾT GIỮA THƯ PHÁP HÁN VÀ THƯ PHÁP VIỆT

Thư pháp Việt trước hết phải được xây dựng trên nền tảng của thư pháp Hán nhưng không nhất thiết phải phát triển theo con đường của thư pháp Hán trong tương lai!


Đó là nhận định và là ý kiến của tôi trong vòng những năm trở lại đây.

Thứ 1: tại sao nói thư pháp Việt trước hết phải được xây dựng trên nền tảng của thư pháp Hán?

Thư pháp Việt hệ chữ latinh, nguồn gốc bắt nguồn từ việc nhà thơ Đông Hồ (Lâm Tấn Phác) dùng bút lông Trung Hoa để viết các bài thơ của ông bằng hệ chữ la tinh (abc) sau khi ông nhận thấy sự lụi tàn của một nền nho học Hán Nôm, khiến cho chữ Nôm dần đi vào quên lãng và khó tiếp cận với thế hệ sau. Vì vậy, sáng kiến dùng bút lông để thể hiện chữ quốc ngữ suy cho cùng cũng là sự tự phát dựa trên cơ sở thư pháp Hán Nôm mà ông cùng các vị tiền bối đương thời đã viết. Thế nên, chưa có một cơ sở lý luận hay lý thuyết nào chính xác về các phép hay pháp hành thư của chữ latinh. Vì thế không thể nói thư pháp quốc ngữ là tự sinh ra nếu như không có thư pháp Hán Nôm lúc bấy giờ.


Về cơ bản, cách viết chữ tượng thanh của người Việt khi dùng latinh cũng không khác gì mấy so với chữ có yếu tố tượng hình như chữ Hán. Các thể chữ cơ bản của thư pháp Hán như Triện, Lệ, Khải, Hành, Thảo cũng có thể được áp dụng vào chữ latinh để viết nếu người chơi chữ có tinh thần học hỏi và sự chú tâm đúng nghĩa. Giả như chữ Hán cổ có thể ứng dụng vào thể Triện thư thì chữ latinh với yếu tố đường nét đa dạng (thẳng, cong, tròn,...) vẫn có thể cách điệu để thể hiện được thể triện tương tự chữ Hán cổ. Thể Lệ và Khải là các thể cơ bản, mộc mạc, chân phương, suy cho cùng cũng có thể xem là bảng chữ phổ thông. Vậy, chữ Latinh nếu viết một cách rõ ràng và cơ bản, hạn chế nhiều yếu tố cách điệu và bay bổng vẫn có thể được xem là có Lệ thư và Khải thư ( hay hiện nay được đông đảo cộng đồng người chơi thư pháp quốc ngữ gọi là mộc thể). Hành thư được viết theo lối nhanh, liên tục đòi hỏi người viết có yếu tố nhạy bén trong tư duy xử lý đường nét và cách di chuyển của bút lông. Vì đặc tính luật bất thành văn của Hán tự, các nét phải theo trình tự bắt buộc nên thư pháp Hán rất chuộng thể Hành thư vì lúc đó các nét phải luôn được liên tục chấp bút theo thứ tự quy chuẩn của chữ. Khác với hán tự, chữ latinh có thể viết trước sau tùy vào sự thuận tiện của đường nét, nên chữ latinh cũng có thể được áp dụng để thể hiện chữ Hành thể một cách tương tự. Và cuối cùng là Thảo thư, một dạng viết lượt nét, tối giản đường nét và có sử dụng ý bút trong cách viết, khi ta đưa vào áp dụng lên chữ latinh cũng dễ dàng thấy được kiểu chữ viết tắt hoặc lượt nét của chữ latinh cũng không phải không thể. Vì vậy hành và thảo thư của Hán Nôm cũng có thể được áp dụng để viết chữ latinh nếu người viết đẩy cao khả năng tư duy và sáng tạo của mình.

Các yếu tố còn lại như chương pháp (bố cục) hay các cách sử dụng bút lông, dấu triện,v..v..của thư pháp Hán cũng phần nào là yếu tố quan trọng trong việc hình thành và hoàn thiện một tác phẩm thư pháp quốc ngữ. Không thể tránh khỏi vì những yếu tố trên là yếu tố then chốt quyết định đến độ thẩm mỹ của tác phẩm nghệ thuật viết chữ của người phương Đông nói chung và người theo văn hóa Á Đông nói riêng.

Kết luận: Đó là lý do mà thư pháp quốc ngữ phải được xây dựng dựa trên thư pháp Hán mà không thể tự sinh, đồng thời đó cũng được xem như là tinh thần học hỏi, có giá trị kế thừa sâu sắc, hợp lý và chọn lọc.


Thứ 2: Thư pháp Việt hệ chữ latinh không nhất thiết phải phát triển theo con đường của thư pháp Hán trong tương lai!

Đừng tự kìm kẹp mình trong những quy tắc bắt buộc không cần thiết của thư pháp Hán khi mà chữ latinh phần nào đã thoát ra khỏi những quy tắc đó để trở thành một hệ thống chữ riêng. Ta đừng quên ở phương Tây, cũng tồn tại song song dòng chảy mang tên Calligraphy với đầy đủ yếu tố sáng tạo, thẩm mỹ và logic dựa trên mặt chữ latinh. Thư pháp quốc ngữ hiện nay tương đối có khả năng và tiềm năng tích hợp cả cái gốc của thư pháp Hán và sự linh hoạt của thư pháp Phương Tây. Vì thế, hãy chọn một hướng đi mới, có sự giao thoa hơn thay vì giữ khuôn khổ cứng nhắc của một nền thư pháp vốn đã đi vào lịch sử văn hóa nghệ thuật của nhân loại.

Lột xác để làm mới mình trên tinh thần học hỏi và chọn lọc những tinh túy của thư pháp chữ Hán, giữ và loại bỏ những yếu tố cần thiết và không cần thiết của thư pháp Hán để thư pháp Việt có nhiều cơ hội phát triển xa hơn trên con đường tiến tới nghệ thuật nhân loại.


Xuân Thành

SG 06.03.2020

Câu chuyện về Thư và Pháp

 Câu chuyện về Thư và Pháp

Trong nghệ thuật viết thư pháp, người nghệ sỹ phải thực sự tận tường và thông thạo cả mặt thư và mặt pháp. Vậy thư và pháp là gì?

Hiểu nôm na nhất có thể, thư trong thư pháp là phần nội dung, nội hàm của tác phẩm. Người viết phải chắc chiu, chọn lọc và có sự tìm tòi, học hỏi cũng như trau dồi khả năng văn chương, tinh thần thơ ca và vốn từ về cả Hán Việt lẫn thuần Việt. Phần nội hàm của tác phẩm sẽ chiếm trọn tình cảm dài lâu của công chúng khi thưởng lãm. Tránh sự chọn lọc những nội dung sáo rỗng, phổ thông để viết tác phẩm, gây sự nhàm chán cho người thưởng lãm khi đọc và tiếp nhận thông điệp qua tác phẩm. Không để lại dấu ấn sâu sắc. Và một lỗi thường gặp của đại đa số người viết là lỗi chính tả. Việc kiểm tra chính tả trong những trường hợp mình không đảm bảo mặt chính xác của từ, ngữ hoặc câu cú thì nên tra trước sau đó hãy viết. Lỗi này tuy phổ thông và cơ bản nhưng rất dễ mắc phải.

Phần còn lại trong thư pháp đó chính là pháp. Pháp được hiểu là mặt kỹ pháp, phần nhìn của tác phẩm. Nếu như thư là phần hiểu thì ở pháp, đòi hỏi người nghệ sỹ phải có sự luyện tập bền bỉ trong khả năng hành bút, điều khiển bút linh hoạt và viết chữ phải thật xuất thần, thể hiện tinh thần của thư pháp và cảm xúc của tác giả: Tâm, Ý, Khí và Lực.

Còn lại là thiên về sự trình bày cho tác phẩm, trau chuốt về bố cục, hình thức và chất liệu, sẽ bổ trợ rất nhiều cho nhu cầu thẩm mỹ, tạo ấn tượng cho người xem ngay từ cái nhìn đầu tiên.


Hãy cân bằng để nâng tầm giá trị cho một tác phẩm thư pháp, để tác phẩm nào cũng trở nên một câu chuyện, mang được thông điệp đẹp đẽ đến gần với công chúng thông qua con chữ.

XUÂN THÀNH SG 14.12.2019

THƯ PHÁP VIỆT VÀ SỰ NỔ LỰC TỪ BẢN THÂN

Nếu hôm nay viết không đẹp thì ngày mai mình sẽ phải viết đẹp hơn hôm nay.

Nếu ngày mai vẫn chưa đẹp thì ngày mốt, ngày mốt mốt nữa v...v cứ thế tự vạch ra một kế hoạch luyện tập và sáng tác theo bậc thang đi lên.

Hành trình của thư pháp vốn dĩ là sự tu tập và rèn luyện.

Học thư pháp và luyện viết thư pháp, theo tôi, người học sẽ phải trải qua những giai đoạn:

*Khai: Là sự tiếp nhận kiến thức cơ bản và luyện tập từng cấp độ từ bắt đầu đến nâng cao.

*Tìm: Là sự tìm tòi và nâng cao tầm hiểu biết cũng như tầm nhìn về mọi mặt của thư pháp.

*Nghi: Đặt câu hỏi cho tất cả những ưu và khuyết điểm về các khía cạnh của nghệ thuật viết chữ? Sau đó đi tìm câu trả lời cho chính mình.

*Triển: Là sự thực hành mở rộng, phát huy kiến thức cũng như bút lực thông qua việc sáng tác tác phẩm.

*Phá: Đánh tan những thứ cũ kĩ, phá đi những điều vốn dĩ có xu hướng dậm chân tại chỗ, để mình sáng tạo hơn trong đường nét, bút pháp, bố cục, ý tưởng và chất liệu...v...v đây là giai đoạn quan trọng, quyết định đến thời gian tồn tại của một người nghệ sỹ. Tất nhiên, nó sẽ được thực hiện một cách có bài bản và hiệu quả nếu người viết đã hoàn thiện 4 giai đoạn trên.

*Vấn: Viết lại, tổng kết lại được hệ thống kiến thức chung và riêng cho chính mình. Sau đó trả lời tất cả những thắc mắc của công chúng, của thư hữu đồng đạo, v...v Đây cũng chính là một giai đoạn mở rộng, được xem như một công việc chia sẻ kiến thức , đúc kết cái cũ và hình thành kiến thức mới dựa trên nền tảng.

*Hợp: Đến một giai đoạn, người viết sẽ phải nâng cao trình độ của mình lên bằng việc kết hợp các khả năng khác của bản thân để tạo sự cộng hưởng cho khả năng sáng tác một tác phẩm thư pháp. Như việc kết hợp các loại hình nghệ thuật khác, tạo ra chất xúc tác và phương tiện để sáng tác tác phẩm. (Thơ, văn, nhạc, họa v...v)

*Giao: Sự giao lưu trở nên những cơ hội để khai phá hết bản lĩnh và sự sáng tạo của người cầm bút.

Ấy cho nên, mới thấy chơi thư pháp cũng lắm công phu. Mới thấy những người cầm bút chúng tôi, cũng say sưa mỗi ngày tự mình nâng cao khả năng và tâm trí cho nghệ thuật thư pháp. Cũng mong sao, khi tác phẩm được đưa ra trình làng, công chúng sẽ đón nhận bằng tất cả tấm chân tình như tấm lòng mà những người yêu chữ chân chính như chúng tôi đã bỏ ra.

Trân quý cái bút, cái nghiên, mảnh giấy, thỏi mực...và trân quý những ai đang phát tâm cho bộ môn này!

SG. 9/12/2019

Con đường đi của thư pháp Việt còn rất chông gai

 Con đường đi của thư pháp Việt còn rất chông gai!

Nếu đứng ở góc nhìn của một người thưỡng lãm thư pháp bình dân, thường nhiên, sẽ không thể nhận ra nhiều điểm yếu còn vướng phải của thư pháp Việt. Có thể kể đến trước hết là 2 yếu tố sau:

1- Thư pháp Việt thiếu một giáo trình nghiên cứu chung, ổn định về lý thuyết và thực hành. Hiện nay nhiều lớp học TPV mọc lên như nấm, nhưng rất hiếm lớp thư pháp có phương pháp hướng dẫn theo phương thức tự học, tự nghiên cứu và phát triển khả năng tư duy sáng tạo hệ thống phong cách chữ viết. Khiến cho tình hình chung của TPV bị đi vào lối mòn, rập khuôn.

2- Thư pháp Việt thiếu sân chơi, không gian để thể hiện và trưng trổ. Hiện nay, ỏ VN loại hình thư pháp nói chung và thư pháp Việt (hệ quốc ngữ) nói riêng chưa được đông đảo người mộ điệu nghệ thuật đón nhận. Ở các quốc gia bạn như Trung, Nhật và Hàn, thư pháp có một chỗ đứng mạnh mẽ trong cộng đồng những người yêu nghệ thuật thị giác. Họ có nhiều chương trình dành riêng cho trình diễn thư pháp. Có nhiều không gian mở ra để phục vụ cho các nghệ sỹ tổ chức triển lãm. Và hơn hết họ mở rộng nhiều cuộc thi về thư pháp, giao lưu thư pháp quốc tế, v...v


Nhìn chung, điều lớn nhất là TPV cần có thêm khoảng thời gian dài để định hình về các yếu tố trong và ngoài của bộ môn, của những nghệ sỹ, thư pháp gia đang nghiên cứu và duy trì bản sắc văn hóa dân tộc thông qua nghệ thuật thư pháp Việt vừa truyền thống mà cũng mang trong mình hơi hướng của nền văn minh hiện đại.

Saigon 25.10.2019

Thư pháp chữ Việt- những nhìn nhận trên tinh thần cầu tiến và khoa học

 Thư pháp chữ Việt và những nhìn nhận trên tinh thần cầu tiến và khoa học!

Đi một con đường dài, có chơi có học, thong thả ung dung nhưng cũng trằn trọc, đau đáu về điều mà bản thân hướng tới, phải chăng đây là con đường gian nan, và trước mắt, nó không phải con đường đã được rộng mở để ta bước đi một cách thong thả, mà muốn đi đến đích, tự tay ta phải mở đường. Tự ta phải tìm ra hướng đi cho mình, không cách nào khác, phải trải qua đó là sự tôi luyện về mọi mặt.

Trong bài viết này, tôi đưa ra một số hiện thực tiêu biểu về sự hạn chế và khuyết điểm của thư pháp chữ Việt, từ đó mở ra những phương pháp để làm thay đổi thực trạng, mở đường đi sáng cho nghệ thuật chung của nước nhà.



I- Sự vấp phải về mặt cộng hưởng trong thư pháp chữ Việt:

Trải qua hàng nghìn hàng vạn năm, thư pháp Hán của Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản đã đạt được đỉnh điểm của nền thư pháp thế giới.

Không phải tự nhiên họ làm được điều đó. Thiên thời cho văn hóa chữ viết của các nước Trung, Nhật, Hàn, là hệ thống chữ tượng hình. Ở Trung Quốc, từ thời Tần, Ân,Chu, Thương đến Hán, Đường, Tống, Nguyên với sự hình thành và phát triển theo dòng thời gian :Triện-Lệ-Khải-Hành-Thảo. Nhật Bản kế thừa tinh hoa Hán Ngữ, phát triển nên hệ thống chữ Hiragana để thể hiện thư pháp. Đến người Triều Tiên, Hàn Quốc, phát triển nên bốn nhóm thư thể: Phiến Bản- Cung thể- Thủy thể và Dãn thể. Tất cả tụ chung đều mang sự ưu ái về tính thẩm mỹ cao trong việc thể hiện chữ nghĩa. Ở các nước đồng văn, những nhà thư pháp trước hết phải học chuyên sâu về văn hóa văn học , biết về lịch sử và đặc biệt được đào tạo cơ bản về mỹ thuật. Đó là những điều ưu tiên hàng đầu trước khi bước sang giai đoạn cầm bút chấm mực viết chữ. Vì lẽ đó, thư pháp họ đạt được thành tựu thành công là chuyện tất nhiên.

Vậy ở Việt Nam, người chơi thư pháp thì nhiều, mà chất lượng thì có được bao nhiêu. Hầu hết, mọi người đang chạy theo xu hướng, phong trào, nhìn nhẹ về nghệ thuật thư pháp, mà không hiểu là, thư pháp vốn là môn nghệ thuật mang tính văn hóa tổng hợp. Nó là sự cộng hưởng từ văn hóa, giáo dục, lịch sử, văn học và mỹ thuật. Vậy nên, chí ít người chơi thư pháp phải am hiểu về kiến thức mỹ thuật cơ bản. Làm nền tảng cho sự phát triển lâu dài. Anh phải nắm được nguyên tắc sắp xếp chữ viết, bố cục hài hòa, màu sắc cân đối, tạo hình chữ viết, thì tác phẩm viết ra mới mang được cái tầm, cái trình độ của một nhà thư pháp. Bên cạnh đó, đọc sách nhiều là liều thuốc bổ cộng thêm cho vốn sáng tác của bản thân về lịch sử, văn học, nghệ thuật. Từ đó, tác phẩm mới mang được cái tâm và giá trị sâu sắc của người chơi chữ mong muốn thể hiện nét bút tài hoa của mình

II- Về văn hóa xin và cho chữ:

Một phần ảnh hưởng cho sự phát triển của thư pháp chữ quốc ngữ là văn hóa xin và cho chữ. Người làm nghệ thuật ở Việt Nam nói chung và trong giới thư pháp Việt nói riêng còn quá dễ dãi với chữ viết mình viết ra. Tinh thần hòa đồng và cái tâm phóng khoáng là tốt nhưng nếu cứ viết ra và cho không một cách vô tội vạ sẽ làm cho công chúng họ chẳng còn thấy giá trị hữu hình của nghệ thuật thư pháp mà hàng trăm con người chúng ta đang theo đuổi. Phải thật sự cho và xin ở mức độ có thể chấp nhận, để những gì chúng ta ( người chơi thư pháp) đang làm trở nên một nền văn hóa có giá trị không những giá trị tinh thần mà còn là giá trị vật chất, từ đó mới phát triển được đam mê. Đây là quan điểm cá nhân nhưng mang tính thực tế, và trên tinh thần cầu tiến tích cực.

III- Chạy đua thực hành thì nhiều, mà ngồi nghiền ngẫm lý thuyết thì ít!

Và đây là thực trạng báo động cho nền thư pháp quốc ngữ. Quá nhiều lớp thư pháp mở ra, nhưng được vài ba lớp có chất lượng, còn lại thì theo kiểu mỳ ăn liền. Đào tạo thư pháp cấp tốc, cấp bằng vô tội vạ chỉ để viết được dăm ba chữ ngoằn nghoèo , rồi đi viết kiếm tiền. Hãy nhìn lại, và nghiên cứu nhiều vô các bạn thư pháp trẻ ơi. Lý thuyết chắc thì thực hành mới đạt hiệu quả. Thư pháp quốc ngữ còn quá nhiều điều bí ẩn, đang cần thế hệ trẻ biết suy nghĩ, tìm tòi, nghiên cứu, tra cứu học hỏi và đóng góp xây dựng cho hệ thống lý thuyết một cách mạnh mẽ, song song đó là không ngừng rèn viết, nâng cao khả năng sáng tạo, sáng tác và định hướng tìm cho mình bản sắc riêng dựa trên nền tảng cơ bản hoàn chỉnh. Đó mới là con đường đi đúng đắn cho những ai đang trăn trở và mong muốn phát triển nghệ thuật thư pháp chữ Việt Nam quốc ngữ!


Xuân Thành 

SG 4/ 2019