Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2021

SỰ LIÊN KẾT GIỮA THƯ PHÁP HÁN VÀ THƯ PHÁP VIỆT

Thư pháp Việt trước hết phải được xây dựng trên nền tảng của thư pháp Hán nhưng không nhất thiết phải phát triển theo con đường của thư pháp Hán trong tương lai!


Đó là nhận định và là ý kiến của tôi trong vòng những năm trở lại đây.

Thứ 1: tại sao nói thư pháp Việt trước hết phải được xây dựng trên nền tảng của thư pháp Hán?

Thư pháp Việt hệ chữ latinh, nguồn gốc bắt nguồn từ việc nhà thơ Đông Hồ (Lâm Tấn Phác) dùng bút lông Trung Hoa để viết các bài thơ của ông bằng hệ chữ la tinh (abc) sau khi ông nhận thấy sự lụi tàn của một nền nho học Hán Nôm, khiến cho chữ Nôm dần đi vào quên lãng và khó tiếp cận với thế hệ sau. Vì vậy, sáng kiến dùng bút lông để thể hiện chữ quốc ngữ suy cho cùng cũng là sự tự phát dựa trên cơ sở thư pháp Hán Nôm mà ông cùng các vị tiền bối đương thời đã viết. Thế nên, chưa có một cơ sở lý luận hay lý thuyết nào chính xác về các phép hay pháp hành thư của chữ latinh. Vì thế không thể nói thư pháp quốc ngữ là tự sinh ra nếu như không có thư pháp Hán Nôm lúc bấy giờ.


Về cơ bản, cách viết chữ tượng thanh của người Việt khi dùng latinh cũng không khác gì mấy so với chữ có yếu tố tượng hình như chữ Hán. Các thể chữ cơ bản của thư pháp Hán như Triện, Lệ, Khải, Hành, Thảo cũng có thể được áp dụng vào chữ latinh để viết nếu người chơi chữ có tinh thần học hỏi và sự chú tâm đúng nghĩa. Giả như chữ Hán cổ có thể ứng dụng vào thể Triện thư thì chữ latinh với yếu tố đường nét đa dạng (thẳng, cong, tròn,...) vẫn có thể cách điệu để thể hiện được thể triện tương tự chữ Hán cổ. Thể Lệ và Khải là các thể cơ bản, mộc mạc, chân phương, suy cho cùng cũng có thể xem là bảng chữ phổ thông. Vậy, chữ Latinh nếu viết một cách rõ ràng và cơ bản, hạn chế nhiều yếu tố cách điệu và bay bổng vẫn có thể được xem là có Lệ thư và Khải thư ( hay hiện nay được đông đảo cộng đồng người chơi thư pháp quốc ngữ gọi là mộc thể). Hành thư được viết theo lối nhanh, liên tục đòi hỏi người viết có yếu tố nhạy bén trong tư duy xử lý đường nét và cách di chuyển của bút lông. Vì đặc tính luật bất thành văn của Hán tự, các nét phải theo trình tự bắt buộc nên thư pháp Hán rất chuộng thể Hành thư vì lúc đó các nét phải luôn được liên tục chấp bút theo thứ tự quy chuẩn của chữ. Khác với hán tự, chữ latinh có thể viết trước sau tùy vào sự thuận tiện của đường nét, nên chữ latinh cũng có thể được áp dụng để thể hiện chữ Hành thể một cách tương tự. Và cuối cùng là Thảo thư, một dạng viết lượt nét, tối giản đường nét và có sử dụng ý bút trong cách viết, khi ta đưa vào áp dụng lên chữ latinh cũng dễ dàng thấy được kiểu chữ viết tắt hoặc lượt nét của chữ latinh cũng không phải không thể. Vì vậy hành và thảo thư của Hán Nôm cũng có thể được áp dụng để viết chữ latinh nếu người viết đẩy cao khả năng tư duy và sáng tạo của mình.

Các yếu tố còn lại như chương pháp (bố cục) hay các cách sử dụng bút lông, dấu triện,v..v..của thư pháp Hán cũng phần nào là yếu tố quan trọng trong việc hình thành và hoàn thiện một tác phẩm thư pháp quốc ngữ. Không thể tránh khỏi vì những yếu tố trên là yếu tố then chốt quyết định đến độ thẩm mỹ của tác phẩm nghệ thuật viết chữ của người phương Đông nói chung và người theo văn hóa Á Đông nói riêng.

Kết luận: Đó là lý do mà thư pháp quốc ngữ phải được xây dựng dựa trên thư pháp Hán mà không thể tự sinh, đồng thời đó cũng được xem như là tinh thần học hỏi, có giá trị kế thừa sâu sắc, hợp lý và chọn lọc.


Thứ 2: Thư pháp Việt hệ chữ latinh không nhất thiết phải phát triển theo con đường của thư pháp Hán trong tương lai!

Đừng tự kìm kẹp mình trong những quy tắc bắt buộc không cần thiết của thư pháp Hán khi mà chữ latinh phần nào đã thoát ra khỏi những quy tắc đó để trở thành một hệ thống chữ riêng. Ta đừng quên ở phương Tây, cũng tồn tại song song dòng chảy mang tên Calligraphy với đầy đủ yếu tố sáng tạo, thẩm mỹ và logic dựa trên mặt chữ latinh. Thư pháp quốc ngữ hiện nay tương đối có khả năng và tiềm năng tích hợp cả cái gốc của thư pháp Hán và sự linh hoạt của thư pháp Phương Tây. Vì thế, hãy chọn một hướng đi mới, có sự giao thoa hơn thay vì giữ khuôn khổ cứng nhắc của một nền thư pháp vốn đã đi vào lịch sử văn hóa nghệ thuật của nhân loại.

Lột xác để làm mới mình trên tinh thần học hỏi và chọn lọc những tinh túy của thư pháp chữ Hán, giữ và loại bỏ những yếu tố cần thiết và không cần thiết của thư pháp Hán để thư pháp Việt có nhiều cơ hội phát triển xa hơn trên con đường tiến tới nghệ thuật nhân loại.


Xuân Thành

SG 06.03.2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét