Thư pháp chữ Việt và những nhìn nhận trên tinh thần cầu tiến và khoa học!
Đi một con đường dài, có chơi có học, thong thả ung dung nhưng cũng trằn trọc, đau đáu về điều mà bản thân hướng tới, phải chăng đây là con đường gian nan, và trước mắt, nó không phải con đường đã được rộng mở để ta bước đi một cách thong thả, mà muốn đi đến đích, tự tay ta phải mở đường. Tự ta phải tìm ra hướng đi cho mình, không cách nào khác, phải trải qua đó là sự tôi luyện về mọi mặt.
Trong bài viết này, tôi đưa ra một số hiện thực tiêu biểu về sự hạn chế và khuyết điểm của thư pháp chữ Việt, từ đó mở ra những phương pháp để làm thay đổi thực trạng, mở đường đi sáng cho nghệ thuật chung của nước nhà.
I- Sự vấp phải về mặt cộng hưởng trong thư pháp chữ Việt:
Trải qua hàng nghìn hàng vạn năm, thư pháp Hán của Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản đã đạt được đỉnh điểm của nền thư pháp thế giới.
Không phải tự nhiên họ làm được điều đó. Thiên thời cho văn hóa chữ viết của các nước Trung, Nhật, Hàn, là hệ thống chữ tượng hình. Ở Trung Quốc, từ thời Tần, Ân,Chu, Thương đến Hán, Đường, Tống, Nguyên với sự hình thành và phát triển theo dòng thời gian :Triện-Lệ-Khải-Hành-Thảo. Nhật Bản kế thừa tinh hoa Hán Ngữ, phát triển nên hệ thống chữ Hiragana để thể hiện thư pháp. Đến người Triều Tiên, Hàn Quốc, phát triển nên bốn nhóm thư thể: Phiến Bản- Cung thể- Thủy thể và Dãn thể. Tất cả tụ chung đều mang sự ưu ái về tính thẩm mỹ cao trong việc thể hiện chữ nghĩa. Ở các nước đồng văn, những nhà thư pháp trước hết phải học chuyên sâu về văn hóa văn học , biết về lịch sử và đặc biệt được đào tạo cơ bản về mỹ thuật. Đó là những điều ưu tiên hàng đầu trước khi bước sang giai đoạn cầm bút chấm mực viết chữ. Vì lẽ đó, thư pháp họ đạt được thành tựu thành công là chuyện tất nhiên.
Vậy ở Việt Nam, người chơi thư pháp thì nhiều, mà chất lượng thì có được bao nhiêu. Hầu hết, mọi người đang chạy theo xu hướng, phong trào, nhìn nhẹ về nghệ thuật thư pháp, mà không hiểu là, thư pháp vốn là môn nghệ thuật mang tính văn hóa tổng hợp. Nó là sự cộng hưởng từ văn hóa, giáo dục, lịch sử, văn học và mỹ thuật. Vậy nên, chí ít người chơi thư pháp phải am hiểu về kiến thức mỹ thuật cơ bản. Làm nền tảng cho sự phát triển lâu dài. Anh phải nắm được nguyên tắc sắp xếp chữ viết, bố cục hài hòa, màu sắc cân đối, tạo hình chữ viết, thì tác phẩm viết ra mới mang được cái tầm, cái trình độ của một nhà thư pháp. Bên cạnh đó, đọc sách nhiều là liều thuốc bổ cộng thêm cho vốn sáng tác của bản thân về lịch sử, văn học, nghệ thuật. Từ đó, tác phẩm mới mang được cái tâm và giá trị sâu sắc của người chơi chữ mong muốn thể hiện nét bút tài hoa của mình
II- Về văn hóa xin và cho chữ:
Một phần ảnh hưởng cho sự phát triển của thư pháp chữ quốc ngữ là văn hóa xin và cho chữ. Người làm nghệ thuật ở Việt Nam nói chung và trong giới thư pháp Việt nói riêng còn quá dễ dãi với chữ viết mình viết ra. Tinh thần hòa đồng và cái tâm phóng khoáng là tốt nhưng nếu cứ viết ra và cho không một cách vô tội vạ sẽ làm cho công chúng họ chẳng còn thấy giá trị hữu hình của nghệ thuật thư pháp mà hàng trăm con người chúng ta đang theo đuổi. Phải thật sự cho và xin ở mức độ có thể chấp nhận, để những gì chúng ta ( người chơi thư pháp) đang làm trở nên một nền văn hóa có giá trị không những giá trị tinh thần mà còn là giá trị vật chất, từ đó mới phát triển được đam mê. Đây là quan điểm cá nhân nhưng mang tính thực tế, và trên tinh thần cầu tiến tích cực.
III- Chạy đua thực hành thì nhiều, mà ngồi nghiền ngẫm lý thuyết thì ít!
Và đây là thực trạng báo động cho nền thư pháp quốc ngữ. Quá nhiều lớp thư pháp mở ra, nhưng được vài ba lớp có chất lượng, còn lại thì theo kiểu mỳ ăn liền. Đào tạo thư pháp cấp tốc, cấp bằng vô tội vạ chỉ để viết được dăm ba chữ ngoằn nghoèo , rồi đi viết kiếm tiền. Hãy nhìn lại, và nghiên cứu nhiều vô các bạn thư pháp trẻ ơi. Lý thuyết chắc thì thực hành mới đạt hiệu quả. Thư pháp quốc ngữ còn quá nhiều điều bí ẩn, đang cần thế hệ trẻ biết suy nghĩ, tìm tòi, nghiên cứu, tra cứu học hỏi và đóng góp xây dựng cho hệ thống lý thuyết một cách mạnh mẽ, song song đó là không ngừng rèn viết, nâng cao khả năng sáng tạo, sáng tác và định hướng tìm cho mình bản sắc riêng dựa trên nền tảng cơ bản hoàn chỉnh. Đó mới là con đường đi đúng đắn cho những ai đang trăn trở và mong muốn phát triển nghệ thuật thư pháp chữ Việt Nam quốc ngữ!
Xuân Thành
SG 4/ 2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét