Câu chuyện về Thư và Pháp
Trong nghệ thuật viết thư pháp, người nghệ sỹ phải thực sự tận tường và thông thạo cả mặt thư và mặt pháp. Vậy thư và pháp là gì?
Hiểu nôm na nhất có thể, thư trong thư pháp là phần nội dung, nội hàm của tác phẩm. Người viết phải chắc chiu, chọn lọc và có sự tìm tòi, học hỏi cũng như trau dồi khả năng văn chương, tinh thần thơ ca và vốn từ về cả Hán Việt lẫn thuần Việt. Phần nội hàm của tác phẩm sẽ chiếm trọn tình cảm dài lâu của công chúng khi thưởng lãm. Tránh sự chọn lọc những nội dung sáo rỗng, phổ thông để viết tác phẩm, gây sự nhàm chán cho người thưởng lãm khi đọc và tiếp nhận thông điệp qua tác phẩm. Không để lại dấu ấn sâu sắc. Và một lỗi thường gặp của đại đa số người viết là lỗi chính tả. Việc kiểm tra chính tả trong những trường hợp mình không đảm bảo mặt chính xác của từ, ngữ hoặc câu cú thì nên tra trước sau đó hãy viết. Lỗi này tuy phổ thông và cơ bản nhưng rất dễ mắc phải.
Phần còn lại trong thư pháp đó chính là pháp. Pháp được hiểu là mặt kỹ pháp, phần nhìn của tác phẩm. Nếu như thư là phần hiểu thì ở pháp, đòi hỏi người nghệ sỹ phải có sự luyện tập bền bỉ trong khả năng hành bút, điều khiển bút linh hoạt và viết chữ phải thật xuất thần, thể hiện tinh thần của thư pháp và cảm xúc của tác giả: Tâm, Ý, Khí và Lực.
Còn lại là thiên về sự trình bày cho tác phẩm, trau chuốt về bố cục, hình thức và chất liệu, sẽ bổ trợ rất nhiều cho nhu cầu thẩm mỹ, tạo ấn tượng cho người xem ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Hãy cân bằng để nâng tầm giá trị cho một tác phẩm thư pháp, để tác phẩm nào cũng trở nên một câu chuyện, mang được thông điệp đẹp đẽ đến gần với công chúng thông qua con chữ.
XUÂN THÀNH SG 14.12.2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét