Dạo gần đây tôi thấy mấy bạn, mấy anh, mấy chị học thư pháp nhiều như nấm mọc lên sau mưa. Đó có thể tạm gọi là một tín hiệu vui nhưng chưa chắc tốt. Bởi, học mà không hiểu thì học vô nghĩa, biết viết mà không biết phân tích đường nét, hướng bút của mình viết ra thì khác nào cái máy chép chữ.
Chưa kể, một số người học thầy và bị "lầm tưởng" rằng thầy mình là nhất, là chuẩn mực, nên cứ nghĩ ai viết khác thầy mình và định hình tư tưởng khác thầy mình là sai! Vâng, đó là bạn sai!
Thư pháp Việt vốn dĩ đang ở giai đoạn phát triển trên nền tảng chưa vững chắc bởi có quá nhiều hệ thống lý luận khác nhau, được viết ra dựa trên sự tự phát và tự tìm tòi, học hỏi là chính. Nên chưa thể đúc kết được, đâu mới là chuẩn chung của thư pháp quốc ngữ. Thông qua đó, ta có thể thấy, mặt tích cực của thư pháp Việt hệ quốc ngữ hiện tại là sự đa dạng, phong phú và sáng tạo không gò bó trên khuôn khổ chấp nhận được về tính thẩm mỹ và tính nhân văn của chữ viết. Song, mặt tiêu cực dẫn đến đó là sự tự phát hàng loạt, và sự không đồng nhất trong việc nghiên cứu và đưa ra hệ thống lý luận chung cho cả lý thuyết lẫn thực hành.
Tạm gác lại vấn đề "muôn thuở" của câu chuyện trên, ta hãy chú tâm hơn vào việc: làm sao để thư pháp Việt tồn tại được và sống được mạnh mẽ trong nhu cầu thưởng ngoạn của công chúng hiện nay?
Tôi tạm đưa vào bài viết này quy tắc 3 "THƯỞNG" của cá nhân tôi nhận định về cách nhìn và cách cảm về thư pháp của công chúng. Nếu có gì sai, sót, mong quý vị cùng chia sẻ và góp ý thêm để chúng ta dần dần có thêm được nhiều nhận thức mới mẻ, phát triển hơn về thư pháp Việt.
1. Thưởng thức thẩm mỹ qua giá trị nghệ thuật của thư pháp:
Thư pháp đẹp là một tác phẩm thư pháp có chú trọng vào chương pháp, bút pháp và mỹ thuật học. Chương pháp tốt sẽ tạo nên giá trị tổng thể về sự cân đối và hài hòa của tác phẩm. Bút pháp tốt sẽ khẳng định được độ chín mùi và thâm niên cầm bút của người viết. Bên cạnh đó, yếu tố mỹ thuật cũng quan trọng không kém trong việc xây dựng giá trị nghệ thuật cho tác phẩm thư pháp.
2. Thưởng thức nội dung qua giá trị nhân văn của thư pháp:
Thư pháp thật sự trở nên có ý nghĩa khi hiện hữu lên trên tác phẩm là tâm ý của người viết, có sự chọn lọc nội dung và tâm tư tình cảm được gửi gắm thông qua lời văn, câu chữ. Thực chất, giá trị cao đẹp nhất của nghệ thuật thư pháp là tính tương tác của người viết và người xem, tinh thần truyền tải những giá trị giáo dục và nhân văn thông qua phần nội dung tác phẩm.
3. Thưởng thức sự tự hào dân tộc qua giá trị văn hóa truyền thống của thư pháp:
Có thể nói, thư pháp Việt đang sống và làm tốt sứ mệnh của nó- đó là lan tỏa giá trị truyền thống của dân tộc thông qua chữ viết. Khơi dậy vào tiềm thức của người xem một sự tự hào về một đất nước có bề dày lịch sử hào hùng để rồi có được một hệ thống ngôn ngữ, chữ viết riêng, và giờ được nâng tầm lên thành một "thú chơi" nghệ thuật, tiến tới định hình một bộ môn nghệ thuật đầy giá trị.
Trên đây tôi vừa đề cập đến 3 giá trị thưởng thức của công chúng đối với thư pháp. Tuy nhiên, buồn thay khi đó chưa phải là những vấn đề đáng được quan tâm khi chọn lựa mua hay viết một tác phẩm thư pháp, mà một số vấn đề được đưa lên ưu tiên hàng đầu đó là: Bao nhiêu tiền? Đắt hay rẻ? To hay nhỏ? Và viết như nào cho hợp mệnh, hợp tuổi? Và viết màu đen là xui, màu đỏ là may mắn? Người viết phải già dặn, có râu hay không râu? Là thầy hay là trò viết? Có phải sư thầy viết sẽ giá trị hơn người bình thường viết? Vv...vv...vv...
Vậy thì? Liệu, phải định hướng cho công chúng hiểu được? Đâu mới là tiêu chí tiên quyết và đâu là những tiêu chí cần loại bỏ.
Quả thật, đó là một bài toán khó nhưng chưa chắc là không thể giải được.
Việc cần làm cuối cùng của những người viết chữ là trau dồi kỹ năng chương pháp lẫn bút pháp, và tìm hiểu thêm nhiều hơn kiến thức về lý thuyết của hầu hết các hệ thống thư pháp nước bạn gần ta như Trung, Nhật, Hàn, có khi là cả Calligraphy của phương Tây, thế mới mong một ngày hoàn thiện hơn cho nền thư pháp quốc ngữ đương thời, định hình cho lớp sau một cái nhìn chung để cộng đồng thư pháp trẻ có bước đi vững vàng hơn và tự tin hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét