Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2019

Thư pháp Nghèo



THƯ PHÁP ANH... NGHÈO LẮM EM ƠI(Viết trong một đêm có nghiên, có mực, có bút, có tranh...chẳng phải thơ gì, chỉ là vài câu nói ngâm theo những suy nghĩ trong đầu... Chợt ùa ra, đọc cho vui, cho quên những thứ buồn) 
Đừng hỏi vì sao anh yêu chữ
Hãy hỏi vì sao chữ chọn mình
Bốn bề quanh anh trăm người giỏi
Năm châu xuất chúng vạn người tài
Người thì tung tiền sài chẳng hết
Người thì Tết đến lộc bội thu
Vậy mà bút nghiên anh vẫn chọn
Mặc cho sự đời lắm thị phi

Thư pháp anh nghèo lắm em ơi
Túi lúc cạn nông, lúc tan tành
Lúc mua bút, hôm thì mua nghiên
Giấy dăm bảy bữa, sạch sành sanh
Mực vài ba thỏi, tiền cũng bộn
Mà tranh anh chẳng bán được nhiều
Tối đên thả hồn theo chữ viết
Ngày tìm chân ý, thiện mỹ tâm.

Thư pháp anh nghèo lắm em ơi
Có được hay không anh chẳng màng
Trót lòng say đắm mực quyện máu
Đau đáu ước mơ chữ nhiệm mầu
Yêu anh liệu rằng em cũng sẽ
Một lòng yêu chữ giống anh chăng
Anh sẽ dắt em về nguồn cội
Thăng hoa chữ viết cùng bút nghiên

Thư pháp nghèo tiền, nhưng giàu ý
Bạt ngàn phẩm chất quý anh nuôi
Thư pháp nghèo tiền, chẳng đáng kể
Hãy để tinh hoa ở trong mình
Rồi em sẽ thấy, anh hé nở
Nụ cười an lạc lúc nhiếp tâm
Cõi này vốn chỉ như cõi tạm
Anh chỉ là người viết chữ thôi...




Hôm nay, có thật nhiều tâm trạng về đam mê mà mình theo đuổi. Nhiều lúc ngẫm nghĩ rồi bất chợt quay đầu lại nhìn những gì đã qua, chỉ có thể cười nhẹ một cách an nhiên nhất, mặc dù sóng gió tới và đi... Cũng chỉ để lại những bài học thăng trầm, những điều để mình thấm hiểu, con đường này mình đi... Chắc là sẽ nghèo tiền nghèo của lắm đây, nhưng cơ sao, mình giàu nhiều thứ khác, còn trân quý hơn tiền kia, còn đáng quý hơn tiền kìa!

Tôi sẽ chẳng thể biết, làm gì để nuôi đam mê, nếu thật sự đam mê không cho tôi đau khổ. Nếu thật sự trót yêu nó rồi, hãy để mình trầy vẩy tróc da, hãy để mình được thỏa chí tang bồng, thỏa chí làm người yêu nghệ thuật, tự khắc tâm ta sẽ thấy, mình giàu thế này, ơ... ) mình giàu tâm hồn.

Thư pháp trong tôi, là sự sống. Thư pháp là người thầy đường đời của tôi, và là người bạn song hành của tuổi trẻ tôi đây, là tri kỷ của thanh xuân mình, và là linh hồn, của cuộc đời tôi!
Yêu thư pháp, cũng nghèo lắm... Ai ơi!

SaiGon 13.4 2019
Viết cho cái sự nhẹ nhàng của cuộc sống thăng trầm gió mưa...

Trăn trở về Thư pháp Việt Nam quốc ngữ- Xuân Thành viết

   Ngẫm, tự thấy chữ Việt thật đáng thương...
Hồng nhan bạc phận là nó rồi. 




Ai cũng biết Việt Nam trải qua hai thời kì chữ viết: Tiền Hán Nôm và Hậu Quốc Ngữ. 
Hán Tự không phải tự nhiên khi không là cái nôi của Thư pháp. Không thể phủ nhận vẻ đẹp thần kỳ của Thư pháp Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc,... Khi mà suốt hàng ngàn năm qua, đã chinh phục không biết bao nhiêu sự mộ điệu của bao tầng lớp yêu chữ say chữ. Từ thời Ân Thương ( TK XVII-TK XI TCN) Trung Quốc, đến thời Hán, Đường, Tống, Nguyên, ... Từ Trung Hoa dân quốc đến Triều Tiên, Nhật Bản. Xuất hiện những thư gia nổi tiếng xuất chúng như Trương Chi, Vệ Quán, Vệ Hằng, Vệ Thước, Vương Hi Chi, Âu Dương Tuân... Lý Nham, Kim Sinh,... Kukai, Thiên Hoàng Saga,...
Ở Việt Nam, cũng đã từng có một nền thư pháp Hán Nôm vàng son, khởi đầu có thể nói đến là thư pháp từ thời Lý-Trần (có Chu Nguyên Hạo, Lý Bảo Cung,...) thời Lê Trung Hưng nổi tiếng với Triện thư, thời Nguyễn (có Bùi Tự, hay các vị Vua lúc bấy giờ như Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, ...cũng là những tay bút nổi tiếng. Và nổi tiếng vượt bậc có thể nhắc đến Thánh thư Cao Bá Quát...) lịch sử ngàn đời là thế, nhưng thời kì lụi tàn của Hán Nôm cũng chóng tới, làm cho biết bao sư tiếc nuối về một nền nghệ thuật đang còn dang dở... 




Buồn của Hán Nôm là thế, còn Quốc Ngữ hiện hành... Cũng có lời tâm sự.
Đầu thế kỷ thứ XVII, nhà truyền giáo là cha Alexandre Rhodes đã sang truyền đạo ở Việt Nam và đã xây dựng nên hệ thống chữ quốc ngữ đến ngày nay. Thay thế cho sự khó khăn trong quá trình học viết, học nói bằng tiếng Hán Nôm, nay chữ quốc ngữ gói gọn trong bảng chữ cái la tinh, dễ học và dễ viết, đây là một trong những sự khai sáng mới mẻ cho một dân tộc đã từng bị chiếm đóng nô lệ thời kì Phong kiến phương Bắc. 

Ấy vậy mà, nền thư pháp Quốc ngữ sinh sau đẻ muộn vốn dĩ có rất nhiều cơ hội và khả năng có thể phát triển nhưng do nhiều yếu tố thời cuộc, văn hóa, quan điểm mà nó bị kiềm hãm và phải đi lệch ra thành quá nhiều con đường, trong đó không tránh khỏi những con đường tối tăm, sai lệch cho sự phát triển của thư pháp chữ Việt. Vậy, ta phải nhìn nhận lại rằng, phải chăng nên để thư pháp Việt Nam quốc ngữ bắt đầu phát triển theo hướng đi của sự thống nhất, đúc kết, lắng nghe, loại bỏ, từ đó, có một hướng đi chung rõ ràng, ắt hẳn là chuyện khó, nhưng không phải không thể.
Thiết nghĩ, một nền thư pháp Hán Nôm tồn tại ở giá trị nghệ thuật, văn hóa, lịch sử và một nền thư pháp Quốc ngữ song song tồn tại ở giá trị nghệ thuật, văn hóa và giáo dục sẽ làm cho thư pháp Việt Nam khởi sắc và mạnh mẽ hơn trong ngôi nhà lớn của các nước Đông Á.

                                                                                                        Xuân Thành
                                                                                                   Sài Gòn 2.4.2019

NGHIỆP CẦM BÚT- Thư pháp Xuân Thành

     Cái nghiệp cầm bút này, đôi khi vô thường lắm. Cũng lặng lẽ mà cười cho vui với những gì mình làm, nhưng đôi lúc cũng nghẹn ngào quay ra sau khóc cho cạn nước mắt... 
Sáng nay, tôi mang theo cây bút vừa mua được cách đây ít hôm. Do tìm mua được cây bút tốt và vừa tay, tôi xem như bảo vật. Mang đến lớp cho vui tay vui mắt, nhìn nó cũng thấy ấm áp cho cái đam mê của mình. Thì có người bạn ngồi lại mượn cầm vuốt ve và hỏi vu vơ:
-XT mua cây này hết bao nhiêu?
-***k (cho phép giấu giá) ))

-Trời, chịu chơi ha. Rồi bộ mới trúng số hả?
-Đâu có, thì làm được lâu lâu tích góp để dành mua họa cụ thôi.
-Bình thường thấy XT làm được lắm mà )




Đôi khi, nhìn bề ngoài như vậy nhưng bên trong, có nhiều điều đâu phải ai cũng hiểu và nhìn thấy được. Gọi là cái nghề thì không đúng đối với XT, nhưng cũng xem như cái nghiệp của mình. Có nó, cũng là một cánh tay trái đắc lực để kiếm chút nuôi đam mê.
Bây giờ xã hội thì ngày càng hiện đại. Cái gì cũng phải chạy theo hiện đại. Thử hỏi, còn mấy ai nhìn và tìm về những giá trị truyền thống. Dẫu có, thì cũng chỉ là số ít. Số người thực sự đồng điệu, biết trân trọng và cảm nhận những giá trị nghệ thuật nhân văn thì không nhiều. Nhiều lúc tranh chữ mình viết ra, có người mua trên- dưới 5 triệu một tác phẩm. Cũng có người lướt qua và xem nó như tờ giấy rác!) đáng buồn... 





Nhưng thiệt ra, đôi lúc mình bán tranh cũng chỉ có vài trăm tới 1, 2 triệu. Còn đâu toàn là cho không, tặng không... Mà bỏ tiền ra mua văn phòng tứ bảo thôi, đầu tư làm tác phẩm, dự án, triển lãm thôi cũng ngốn sạch hết tiền bán tranh rồi. Nhưng mà vậy mà vui. Chị XT bảo: "Rứa mà! Vui là được! " :"))
Vẫn biết là đời người sống không biết trước khi nào ra đi. Vẫn biết mọi thứ là vô thường, nên khi đã yêu điều gì, thì cố gắng sống hết mình hết tình và trọn vẹn cho điều đó. Làm cho tuổi trẻ rực rỡ, để đến lúc không còn có thể viết được, để lại cho thế hệ sau một khối gia tài nghệ thuật tinh thần kết xù, vậy, là vui rồi! 💛
                                                                                                                                  Sài Gòn 21.3.2019

Ngày đầu xuân tâm tình với danh xưng "Ông Đồ Nhí"?

    Ngày đầu tiên bắt đầu công việc của năm mới, ly cà phê sáng và đôi chút suy nghĩ về thư pháp Việt... 
Chắc có lẽ mùa Tết vừa rồi, báo đài đưa tin Phố Ông Đồ có ông đồ nhí 2000 này, ông đồ nhí 2001 nọ. Chùa này có ông thư pháp 9 tuổi, chùa kia có bé thư pháp 10 tuổi. ... Nhiều nhiều như vậy rộ lên phong trào " Cứ cho con em đi học thư pháp rồi vài ba tháng, 1 năm đi xuống Phố làm thầy đồ, nhìn mặt cho chữ! "


     Tín hiệu vui, khi nhiều bạn trẻ, em nhỏ yêu chuộng chữ nghĩa. Yêu thích văn hóa nghệ thuật truyền thống. Nhưng cũng khá lo lắng về cái thẩm định, cái nhìn nhận của đông đảo người chưa biết hay không biết gì về thư pháp khi thấy các thầy "nhỏ" viết chữ.
Ngày xưa, bản thân mình cũng rất yếu và non nớt. Năm 2007 tới 2008 mới biết cach cầm cây bút, viết đôi ba chữ cơ bản, luyện rèn, học hỏi, trau dồi đến 2014 mới dám đi viết thuê, xuống phố hành nghề, thuở đó ngây thơ và nhẹ nhàng cố gắng. Cho đến nay cũng bầm dập te tua với những gì bản thân được bậc cha chú, đàn anh đàn chị dẫn dắt với thư pháp, mới thấy ý nghĩa của việc chơi chữ và hạ bút là TÂM Ý KHÍ LỰC. 


       Anh viết anh phải đặt cái tâm mình vào chữ. Anh viết anh phải thả cái Ý cái hồn vào tác phẩm. Anh viết anh phải bảo toàn thần khí, sắc tướng của mình, và anh viết, anh phải dồn lực vào ngọn bút, lúc nhẹ lúc mạnh, lúc cương lúc nhu. Học để hiểu giá trị của chữ Việt, của ngữ pháp Việt Nam. Rồi hành bút bằng vốn kiến thức của mình học được, hiểu được. Vận dụng thêm các yếu tố học thuật khách quan từ Mỹ Thuật, Âm Nhạc, Phong Thủy, v.v...v, để tác phẩm trở nên hoàn chỉnh và xuất thần hơn!
Vậy nên mới thấy quá trình rèn luyện cho một bộ môn vốn kén người theo đuổi là không đơn giản. Đã có người tốn cả một nửa cuộc đời cống hiến cho thư pháp Việt, đã có nhiều người dành cả thanh xuân thậm chí là nằm xuống cũng một phần vì cống hiến, tâm huyết cho nghệ thuật thư pháp Việt.
Vì lẽ đó, phải chăng chúng ta nên hiểu rằng: không phải cứ ai cầm được cây bút, viết được chữ nhìn trông hay hay được được thì tôn sùng họ lên để rồi cả một thế hệ nhìn nhận sai về nghệ thuật viết chữ Việt Nam quốc ngữ.
      Tuy nhiên đó chỉ là một phần nhỏ quan tâm của tôi về Thư pháp. Vì thư pháp Việt còn trẻ, còn cần nhiều thời gian để lớn lên và khẳng định vị thế của mình trong câu "NHẤT CHỮ-NHÌ TRANH TAM SÀNH TỨ KIỂNG" 


      Còn cái đáng buồn hơn là ngày càng nhiều người viết thư pháp Việt một cách tự phát hay rập khuôn, viết một cách thị trường và vội vàng, để rồi khi thị hiếu công chúng đi xem, thưởng lãm và chọn mua tranh thì lại dấy lên những câu đánh giá mà khi nghe thấy buồn và xót xa cho những người chơi thư pháp bằng cái tâm, bằng cả cuộc đời!
Nstp. Lưu Thanh Hải có phố chữ Nguyễn Đình Chiểu, nstp Đăng Học có phố chữ Văn Lang..... v.v...v            Đây là những tâm huyết của những người sống vì nghiệp chữ, mong sao Tổ Nghiệp thương, để thời gian chứng mình cho đông đảo người yêu thư pháp thấy rõ, giá trị của nghệ thuật viết chữ Việt Nam quốc ngữ là như thế nào.
                                                                                                                     Sài Gòn 11.2.2019