Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2019

Ngày đầu xuân tâm tình với danh xưng "Ông Đồ Nhí"?

    Ngày đầu tiên bắt đầu công việc của năm mới, ly cà phê sáng và đôi chút suy nghĩ về thư pháp Việt... 
Chắc có lẽ mùa Tết vừa rồi, báo đài đưa tin Phố Ông Đồ có ông đồ nhí 2000 này, ông đồ nhí 2001 nọ. Chùa này có ông thư pháp 9 tuổi, chùa kia có bé thư pháp 10 tuổi. ... Nhiều nhiều như vậy rộ lên phong trào " Cứ cho con em đi học thư pháp rồi vài ba tháng, 1 năm đi xuống Phố làm thầy đồ, nhìn mặt cho chữ! "


     Tín hiệu vui, khi nhiều bạn trẻ, em nhỏ yêu chuộng chữ nghĩa. Yêu thích văn hóa nghệ thuật truyền thống. Nhưng cũng khá lo lắng về cái thẩm định, cái nhìn nhận của đông đảo người chưa biết hay không biết gì về thư pháp khi thấy các thầy "nhỏ" viết chữ.
Ngày xưa, bản thân mình cũng rất yếu và non nớt. Năm 2007 tới 2008 mới biết cach cầm cây bút, viết đôi ba chữ cơ bản, luyện rèn, học hỏi, trau dồi đến 2014 mới dám đi viết thuê, xuống phố hành nghề, thuở đó ngây thơ và nhẹ nhàng cố gắng. Cho đến nay cũng bầm dập te tua với những gì bản thân được bậc cha chú, đàn anh đàn chị dẫn dắt với thư pháp, mới thấy ý nghĩa của việc chơi chữ và hạ bút là TÂM Ý KHÍ LỰC. 


       Anh viết anh phải đặt cái tâm mình vào chữ. Anh viết anh phải thả cái Ý cái hồn vào tác phẩm. Anh viết anh phải bảo toàn thần khí, sắc tướng của mình, và anh viết, anh phải dồn lực vào ngọn bút, lúc nhẹ lúc mạnh, lúc cương lúc nhu. Học để hiểu giá trị của chữ Việt, của ngữ pháp Việt Nam. Rồi hành bút bằng vốn kiến thức của mình học được, hiểu được. Vận dụng thêm các yếu tố học thuật khách quan từ Mỹ Thuật, Âm Nhạc, Phong Thủy, v.v...v, để tác phẩm trở nên hoàn chỉnh và xuất thần hơn!
Vậy nên mới thấy quá trình rèn luyện cho một bộ môn vốn kén người theo đuổi là không đơn giản. Đã có người tốn cả một nửa cuộc đời cống hiến cho thư pháp Việt, đã có nhiều người dành cả thanh xuân thậm chí là nằm xuống cũng một phần vì cống hiến, tâm huyết cho nghệ thuật thư pháp Việt.
Vì lẽ đó, phải chăng chúng ta nên hiểu rằng: không phải cứ ai cầm được cây bút, viết được chữ nhìn trông hay hay được được thì tôn sùng họ lên để rồi cả một thế hệ nhìn nhận sai về nghệ thuật viết chữ Việt Nam quốc ngữ.
      Tuy nhiên đó chỉ là một phần nhỏ quan tâm của tôi về Thư pháp. Vì thư pháp Việt còn trẻ, còn cần nhiều thời gian để lớn lên và khẳng định vị thế của mình trong câu "NHẤT CHỮ-NHÌ TRANH TAM SÀNH TỨ KIỂNG" 


      Còn cái đáng buồn hơn là ngày càng nhiều người viết thư pháp Việt một cách tự phát hay rập khuôn, viết một cách thị trường và vội vàng, để rồi khi thị hiếu công chúng đi xem, thưởng lãm và chọn mua tranh thì lại dấy lên những câu đánh giá mà khi nghe thấy buồn và xót xa cho những người chơi thư pháp bằng cái tâm, bằng cả cuộc đời!
Nstp. Lưu Thanh Hải có phố chữ Nguyễn Đình Chiểu, nstp Đăng Học có phố chữ Văn Lang..... v.v...v            Đây là những tâm huyết của những người sống vì nghiệp chữ, mong sao Tổ Nghiệp thương, để thời gian chứng mình cho đông đảo người yêu thư pháp thấy rõ, giá trị của nghệ thuật viết chữ Việt Nam quốc ngữ là như thế nào.
                                                                                                                     Sài Gòn 11.2.2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét