Thứ Ba, 18 tháng 9, 2012

Thư Pháp Là tất cả của cuộc sống tâm linh!


Thư Pháp có lẻ đã quen thuộc với người Việt Nam nói riêng và với người Trung Hoa, người Thái người Nhật, nói chung... nhưng có lẽ ít ai biết được Thư Pháp chính là tất cả của cuộc sống tâm linh bởi nó luôn chứa đựng điều mà ta tưởng chừng như thấy được nhưng chỉ khi tập trung vào thư pháp thì điều kì diệu mà thư pháp đem lại thật quý biết bao.
Một bức thư pháp bao gồm TÂM- NHẪN- NGHĨA- TÀI- ĐỨC- HIẾU- NGỘ 7 yếu tố đó sẽ tạo thành thần sắc cho tác phẩm của chúng ta, chẳng hạn như:
Một bức thư pháp nếu thiếu TÂM thì bức thư pháp đó chỉ là cái xác, không có một chút gì gọi là hồn cả
Một bức thư pháp nếu thiếu NHẪN thì nó thực sự không bao giờ toàn diện.
Thiếu TÀI, tác phẩm sẽ không bao giờ đẹp
Thiếu ĐỨC, tác phẩm không hề có ý nghĩa
Thiếu HIẾU, tác phẩm trở nên tầm thường
Thiếu NGỘ, tác phẩm của chúng ta chưa đạt tới cảnh giới gọi là đẹp
....
Vì vậy, hãy viết một tác phẩm bằng cả tâm hồn, đừng chỉ viết suông như người đang tập viết
Còn người thưởng thức, muốn thưởng thức thì phải làm sao để khi nhìn vào bức thư pháp nào, ta cũng phải thấy đẹp?
Đó là điều quan trọng, một bức thư pháp không chỉ xét về bên ngoài, mà còn xét về bên trong tác phẩm, nội dung và ý nghĩa tác phẩm, như thế mới thực sự là nhận xét 1 tác phẩm thư pháp.
Người xem tranh thư pháp cần có lòng kiên trì và hạ mình...
Không kiên trì, không bao giờ nhìn ra được vẻ đẹp của tác phẩm
Không hạ mình thì lúc nào cũng chê bai những tranh cho là xấu...
Nói chung, thư pháp rất dễ nhưng cũng rất khó, có 7 yếu tố trên và 1 niềm đam mê yêu thích thì thư pháp là một thú chơi và nơi để chúng ta rèn mình, hãy đến với thư pháp
------Xuân Thành------




( Tác giả: Xuân Thành)

Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2012

Thư Pháp và cuộc sống


Ngày nay, khi xã hội đã và đang phát triển về nhiều mặt, thì việc thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật cũng đang được quan tâm. Thư Pháp là một trong những bộ môn nghệ thuật được nhiều người quan tâm đến. Thư Pháp là một bộ môn nghệ thuật mang tính nhân văn. Thư pháp nói riêng và thư pháp việt nói chung, đều là những nét chữ rồng bay phượng múa... Mang đậm nét chữ dân gian, hòa quyện với tâm hồn sáng tạo của tác giả. Xem và nhận xét Thư Pháp bằng cả Tâm hồn của mình. Nếu chỉ xét ở một góc độ thì thư pháp chẳng qua chỉ là vài con chữ oằn èo, có khi nhìn còn thấy xấu. Nhưng nếu xét toàn diện mọi góc độ thì thư pháp là một kho tàng chứa đựng vẻ đẹp không kiêu sa mà đơn giản, không cầu kì phức tạp mà lại rất thanh cao... Thư Pháp còn giáo dục con người về cách sống đạo đức...những chữ Tâm; Nhẫn; Ngộ; Mộng; Trí; Nghĩa; Hiếu;.... là nội dung và thông điệp mà những bức thư pháp muốn gửi đến người xem... Với đôi tay hài hoa của các ông đồ thư pháp, việc viết thư pháp trông rất đơn giản, nhưng chỉ đơn giản với vẻ đẹp bên ngoài, nhưng cái hồn của tác phẩm thì thật khó để có thể tạo ra được... Hãy biết phát huy và gìn giữ nét đẹp của Thư Pháp.

(Xuân Thành)

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

Có Hay Không Thư Pháp Chữ Việt

Thuật ngữ “thư pháp chữ Việt” ở đây nhằm chỉ nghệ thuật viết chữ quốc ngữ (ký tự Latinh) để phân biệt với thư pháp chữ Hán ở Việt Nam trước đây.


Trong những năm gần đây, một loại hình được gọi là “thư pháp chữ Việt” hoặc “thư pháp tiếng Việt” phát triển rầm rộ, trở thành một hiện tượng, bởi số đông quần chúng ngày càng có khuynh hướng thích treo chữ trong nhà mình, nhiều tranh, thiệp, quà tặng có “thư pháp chữ Việt” tiêu thụ khá mạnh vào những dịp lễ, Tết. Và xoay quanh “thư pháp chữ Việt” vẫn còn nhiều quan niệm, ý kiến khác nhau. Có người không đồng tình, có người chấp nhận ở mặt này, không tán thành ở mặt khác, chưa đi đến chỗ thống nhất. Vì vậy, trước khi tìm hiểu về “thư pháp chữ Việt”, tưởng cần đặt lại vấn đề : có hay không thư pháp chữ Việt ? Để được khách quan, xin trích lại những ý kiến chung nhất, và từ đó đưa ra kết luận.
Tổng hợp nhiều ý kiến ta thấy rằng có 3 quan điểm chính :

(1). Quan điểm không đồng tình hoặc chưa đồng tình với thư pháp chữ Việt :
Ở quan điểm này, phần lớn là những người am hiểu về Hán văn. Và thường lấy thư pháp chữ Hán làm chuẩn mực. 
 Trong bài viết “Bách thư gia chư tử Việt”, tác giả Phạm Hoàng Quân có đọan viết : “ (…) Đem đối chiếu với lịch sử thư pháp Trung Quốc thấy rõ, chúng ta đã rất thiếu qui củ  khi truyền dạy, quá nôn nóng nên bỏ qua quá trình tinh luyện ; tự tu cả về kiến thức lẫn bút pháp, các tác phẩm không có được chiều sâu tình cảm do được tạo nên bởi những đôi tay, khối óc chưa hề rung động thực sự trước nội dung mà mình thực hiện. Về hình thức diễn đạt, các “nhà thư pháp” chữ Việt hoặc lập lờ trong tình trạng nửa vẽ nửa viết hoặc cố gắng phóng to thu nhỏ các ký tự hoặc tạo sự bí hiểm để đánh đố người xem, tất cả những cách làm ấy chỉ là thủ thuật hoặc kỹ thuật, bước đường hình thành môn nghệ thuật này hãy còn xa lắm!” [69]
Bài viết “Thư pháp và tính đại chúng” của tác giả Nguyễn Xuân Tính trên báo Tiền Phong (số 32, ra ngày 8/8/2004) có viết : “ (…) Trong các cuốn từ điển phổ thông hoặc cuốn “Từ điển tiếng Việt”của nhà xuất bản Khoa học xã hội, xuất bản năm 1977 đã định nghĩa : “Thư pháp là phép viết chữ Hán”. Như vậy  là đã rõ nghĩa, đó là phương pháp, là cung cách viết chữ Hán của người Trung Quốc, chứ không phải là phép viết chữ Việt, chữ “Tây”hoặc phép viết chung cho mọi loại chữ.  (…) Bản thân chữ Việt của chúng ta là một trong những loại chữ khoa học, tiên tiến, được ghép theo vần Latinh nên không những nó khoa học hơn so với một số loại chữ của các nước trong khu vực mà còn dễ viết, dễ đọc và đẹp. Vì vậy, không nên bắt chước một cách tùy tiện. Đừng tưởng rằng như thế là nghệ thuật, là sáng tạo mà vô hình trung đã làm cho nó mất cả tính đại chúng, khiến người đọc người xem không hiểu đó là chữ hay là một mớ bòng bong!”.
Một ý kiến khác của tác giả Nguyễn Chu Nhạc thì cho rằng : “Đã có nhiều ý kiến xung quanh việc này, khen chê đủ cả. Riêng mình tôi cũng đã xem khá kỹ. Tôi hiểu các nhà thư pháp tiếng Việt nóng ruột, muốn làm một cái gì đấy vừa sáng tạo, vừa tôn vinh dân tộc. Dụng tâm thì tốt nhưng hay dở thì còn phải bàn. Thiển nghĩ, nên trao đổi việc này trên hai phương diện. Thứ nhất, nếu cho là thư pháp tiếng Việt nhằm tôn vinh văn hóa dân tộc, thì xin hỏi mẫu tự Latinh của chữ Việt hiện đại với lịch sử chỉ hơn một trăm năm, so với hai ngàn năm chữ Hán vào Việt Nam và hàng ngàn năm chữ Nôm do ông cha ta nghĩ ra, tạo nên một nền khoa bảng rực rỡ cùng cả kho tàng khổng lồ lịch sử văn hoá bằng văn tự Hán Nôm kia, thứ nào dân tộc hơn? Thứ nữa, về phương diện hình họa, chữ Hán là thứ chữ khởi nguồn tượng hình, đa dạng và kỳ thú vô cùng, viết mà như họa, họa cũng có thể như viết, thế nên mới có nghệ thuật thư pháp, thư họa; còn mẫu tự Latinh chỉ là các ký tự âm thanh, chính vì thế người phương Tây đâu có thư pháp (bây giờ vi tính có thể thực hiện được nhiều mẫu tự Latinh, song đâu phải là thư pháp?). Với những lẽ ấy, thư pháp tiếng Việt mà một số người chủ trương là thiếu cơ sở, nên thiếu sức sống….”
Qua đó, ta thấy nổi bật hai vấn đề: 
Thứ nhất, các tác giả thường dựa vào thư pháp chữ Hán để bàn về thư pháp chữ Việt (như dựa vào định nghĩa, dựa vào tính tượng hình của chữ Hán) 
Thứ hai, do tác động từ những bức “thư pháp chữ Việt” kém “chất lượng”, mang tính thị trường đã ảnh hưởng xấu đến ý nghĩ của công chúng. (viết xấu, khó đọc, là một mớ bòng bong!)
Thiết nghĩ, đây là những ý kiến phê bình, đóng góp quý báu, rất cần cho “thư pháp chữ Việt”, nếu muốn tiến xa hơn nữa.

(2) Quan điểm chấp nhận và ủng hộ thư pháp chữ Việt
Nhìn chung, ở quan điểm này, chiếm số đông so với những người không chấp nhận “thư pháp chữ Việt”
Nhà văn Nguyễn Quang Hà trong bài viết “Mùa xuân chơi thư pháp” có ý kiến cổ vũ, ủng hộ cho thư pháp Việt : “(…) Rất may cho thư pháp chữ Việt được quần chúng đồng tình, cổ vũ, yêu thích, đó là lời động viên mạnh mẽ không gì bằng. Cũng rất cần có các nhà thư pháp chữ Việt tiêu biểu để hướng tới và từ đó có lý luận vững vàng. Trước mắt chúng ta, thư pháp chữ Việt mới hình thành các câu lạc bộ, bao giờ có Viện đây ? Điều đó đòi hỏi các nhà thư pháp Việt Nam phải nỗ lực phi thường.”. Và ông cũng đã hỏi nhà thơ, nhà thư pháp Trụ Vũ: “Chữ Trung Quốc có các nét chính : chấm, phẩy, vạch ngang, sổ dọc, hất lên, quai xước. Mỗi nét đã có chuẩn mực có hình tượng, bản thân mỗi chữ Nho ấy đã là một bức tranh. Chữ Việt thì sao? ”. Trụ Vũ đáp: “ Viết thư pháp là thể hiện cái hồn của mình. Có câu : “nhìn chữ biết người” là vậy. Chữ Việt đâu thiếu đường nét ấy. Chẳng qua họ quá quen với chữ Nho, nên nghi ngại thư pháp chữ Việt. Này nhé, xưa thời cổ trung đại của Trung Quốc, bấy giờ mới có tranh thủy mặc. Từ đó đến nay mới có thể kể đến tranh màu nước, tranh sơn dầu, tranh lập thể, tranh trừu tượng. Các loại tranh đó đều được yêu mến, trân trọng và đặt cho một cái tên rất đỗi tự hào : Hội họa hiện đại. Rõ ràng, không kể loại hình mà phải kể tới tâm hồn người nghệ sĩ. Vậy thì chữ Nho cứ cho là một loại tranh, chữ Việt sao không thể coi là một loại tranh được. Điều cốt yếu của thư pháp như tôi nói đó, là cái thần diệu nơi tâm hồn mình.” [66]
Một ý kiến khác của họa sĩ người Hoa, Lý Khắc Nhu: “ Với người Hoa thì thư pháp được đào tạo rất căn bản. Trước tiên là lối viết Chính thư (từng nét một), rồi đến Hành thư (lướt nhanh), sau là Hành thảo (phóng túng). Khi đạt đến Cuồng thư thì chẳng khác nào một người điên đang múa bút. Tôi chưa từng viết thư pháp chữ Việt, nhưng ở CLB Q.5 (Tp. Hồ Chí Minh) do tôi làm chủ nhiệm có nhiều nhà thư họa chữ Việt. Tôi nghĩ, đó cũng là một nét đẹp – một cái hay của văn hóa Việt cũng như góp phần làm phong phú thêm nghệ thuật thư pháp.”[60]
Tác giả Lê Xuân Mậu trong bài viết “Ngày xuân nói chuyện chơi chữ” có viết (báo Giáo dục, xuân 2003): “Chữ Hán tượng hình có ưu thế trong việc “vẽ”õ chữ. Còn chữ Quốc ngữ ? Cái thứ chữ ghi âm ghép các con chữ theo một chiều ngang xuôi cố định khó có thể tạo hình. Cũng có thể nghĩ rằng nó không phải là thứ chữ của Thánh hiền nên không linh thiêng, không đáp ứng nhu cầu chơi chữ có sắc màu tâm linh ? Rất có thể đó là một lý do có tính tập tục ! Chỉ biết rằng nhiều hình thức trình bày cân đối chữ Quốc ngữ cũng khá sáng tạo. Gần đây đã có những thí nghiệm thư họa chữ Quốc ngữ ít nhiều được ngợi khen. Đó là những bức vẽ chữ – vẽ thực sự….”

(3). Ngoài ra, còn có quan điểm: không nhất thiết bàn về thuật ngữ, tên gọi “thư pháp chữ Việt” 
Nhà nghiên cứu Lê Anh Dũng cho rằng: “ Người khổ luyện thực hành thư pháp có thể dùng cái đẹp của chữ và mực để rèn giũa tâm hồn đã đành, mà người chơi thư pháp cũng có thể mượn nét bút tài hoa của người khác để trau dồi đời sống tinh thần. Với chủ định này, giờ đây chữ Hán, chữ Việt hay là tiếng Pháp, tiếng Anh chi chi chăng nữa cũng chẳng cón ngăn ngại, miễn sao thực tâm thích cái đẹp của tấm chữ để rồi chọn treo nơi nào mình hay chạm mắt tới. Ngày ngày ra vào thấy chữ làm ngắm nghía trầm ngâm, ngẫm nghĩ răn lòng…”.[47:121]
Theo  PGS TS. Nguyễn Thị Thu Lương thì không cần đặt vấn đề về tên gọi, hay thuật ngữ “thư pháp chữ Việt”, “tranh chữ Việt”, mà xem nó như là một hiện tượng văn hóa và hơn cả là một vấn đề văn hóa, một nét đẹp văn hóa mới xuất hiện cần quan tâm. 
Cuối cùng, xin trích dẫn ý kiến của nhà báo Vũ Thụy Đăng Lan trong tác phẩm “ Chữ tâm trong nghệ thuật thư pháp”: Thư pháp là nghệ thuật viết chữ đẹp, ai cũng có thể viết được chữ, nhưng viết thế nào cho đẹp lại là một nghệ thuật. Mỗi nước có một ngôn ngữ một chữ viết riêng, cái đẹp của mỗi dân tộc tự nó có và cảm nhận khác nhau rất vô tư, nếu cứ đem ra mà tranh cãi, có khi lại chẳng còn là nghệ thuật nữa. Chúng ta không bao giờ quên rằng xuất xứ của bộ môn này từ Trung Quốc, nhưng, nếu cứ nhất định cho rằng chữ Hán đã sản sinh ra thư pháp, và chỉ độc nhất, thì cái thú tao nhã này đành phải lụi tàn theo văn học Hán Nôm đang mất dần trong nền văn học nước ta, thì không có gì đáng tiếc hơn. (…). Chung lại, chúng ta những người đang đam mê bộ môn nghệ thuật này là đang sống cho nhu cầu của chính mình, cho sự phát triển văn hóa xã hội hết sức lành mạnh và trí tuệ. Nếu đừng làm biến dạng nó, thì chẳng cần phải loanh quanh đi tìm câu trả lời “có hay không thư pháp chữ Việt”. Vì nó đã giải mã ở ngay đầu của mỗi ngọn bút….[ 53:71]

Trên, là những ý kiến đã được đăng tải trên báo chí. Riêng chúng tôi, thì cho rằng: đến thời điểm này, có thể khẳng định chữ  quốc ngữ có thư pháp, và hoàn toàn nhất trí với tên gọi “Thư pháp chữ Việt”. Với những lý do sau : 

------------------------------------------------------------------------------------------------


Về thuật ngữ “thư pháp” : Như ở chương I, đã trình bày về khái niệm thư pháp. Thì rõ ràng thư pháp không bao giờ là độc quyền của một hệ thống chữ viết nào. Chính họa sĩ Từ Băng (Trung Quốc) từng đến New York dạy cho người Mỹ viết thư pháp bằng tiếng Anh rất được hoan nghênh (vào năm 1966) [47:119]. Sở dĩ còn nhiều ý kiến chưa đồng tình một phần là do ở một số từ điển Việt Nam có định nghĩa thư pháp là “phép viết chữ Hán”, nên đã dẫn đến nhiều sự ngộ nhận. Mặt khác, “thư pháp” là thuật ngữ phương Đông (Trung quốc) ở đây có thể hiểu đồng nghĩa với nghệ thuật viết chữ “Calliraphy” của phương Tây. Nếu ta dùng nghệ thuật viết chữ Việt, có lẽ sẽ không có nhiều phản ứng, dư luận. Tuy nhiên do tiếng Việt hiện nay, có khoảng 70% từ vựng gốc Hán, do vậy ta mượn thuật ngữ “thư pháp” của tiếng Hán để chỉ một loại hình nghệ thuật viết chữ, là điều hợp lý.


------------------------------------------------------------------------------------------------


Về hình chữ : Nhìn chung bộ môn thư pháp thường lấy đường nét để tả hình, cây bút lông tạo được hàng loạt những biến tấu, nét móc, nét sổ, nét phẩy… điều đó liên quan đến văn tự Hán. Qua các nét bút thể hiện được các biến thái của cung bậc tình cảm. Lâu nay, nhiều người không đồng tình thư pháp chữ Việt ở chỗ do nó không phải là chữ tượng hình như chữ Hán. Tuy vậy ở chữ Latinh thực ra cũng có ưu thế trên. Nếu ta  tìm về nguồn gốc chữ viết, sẽ thấy chữ Latinh cũng xuất phát từ chữ tượng hình , cũng có những đường nét ý nghĩa như chữ Hán. Chỉ có cách viết, cách thể hiện là khác, do quá trình hình thành của nó, và do sự sáng tạo của người nghệ sĩ. Dù kết cấu về mặt hình chữ có khác nhau, nhưng chữ  Việt cũng có các nét ngang, đứng, nghiêng, móc, phẩy… Ví dụ như ở chữ Hán nếu ta lấy những chữ ít nét như  chữ Nhất (一), nhị (二), thập  (十) v.v. thì nó có một nét thẳng, một nét ngang, tương tự như chữ A , chữ H, chữ I, cũng gồm 3 nét thẳng, ngang kết hợp lại. Vì vậy, chữ quốc ngữ đâu đã cạn nguồn sáng tạo. Bất cứ ai có năng lực sẽ làm giàu đẹp cho văn hóa chữ. Bởi cái đẹp của chữ Latinh vốn đã thật uyển chuyển, hài hòa, ngay ngắn và cả sự bay bướm điệu đàng. Chữ Quốc ngữ tuy có dấu, điều đó gây khó khăn nhất định cho đường đi của đầu ngọn bút lông, nhưng cũng dễ tạo nét đẹp tuyệt vời nếu làm chủ được phương tiện, chất liệu sử dụng và có óc thẩm mỹ.


------------------------------------------------------------------------------------------------


Về phương pháp : Không như nhiều người nghĩ rằng “thư pháp chữ Việt” không có phương pháp, là những chữ viết xấu, khó đọc, muốn viết sao cũng được, nên không thể gọi là thư pháp. Sự thật, đây đó cũng có những chữ viết còn rất tùy tiện, mang tính “thị trường”, kém “chất lượng” gây phản cảm đối với người xem, người đọc thư pháp. Thiết nghĩ, đó cũng là quy luật, vì đây là bộ môn mới phát triển, đang trên đường định hình. Tuy nhiên, ở những tác phẩm thư pháp có giá trị, cũng như những nhà thư pháp lâu năm, thì  “thư pháp chữ Việt” có phương pháp hẳn hoi : về cách cầm bút, về bố cục, về kết cấu, hình thức. Dĩ nhiên những phương pháp này mang tính linh hoạt, không quá nguyên tắc, cứng rắn như thư pháp chữ Hán. Rõ nét nhất, nhiều quyển sách viết dạy về thư pháp gần đây đã đề cập đến phương pháp viết chữ, tuy mỗi tác giả có cách riêng của mình khi hướng dẫn (qua sách), nhưng cơ bản, “thư pháp chữ Việt” đang dần hướng đến quy cách, phương pháp chung.

------------------------------------------------------------------------------------------------


 Về nghệ thuật : “Thư pháp chữ Việt” cũng như thư pháp khác,  các nghệ nhân viết chữ Việt cũng thể hiện chữ viết theo cảm xúc nghệ thuật, họ viết bằng cả tâm hồn, các tác phẩm cũng có sức biến hóa sinh động, gợi mỹ cảm, có phong vị sâu sắc và có cá tính độc đáo. Chính nó tạo nên bản thể đích thực của thư pháp. Không ít tác phẩm thể hiện được tinh thần của người viết. Giữa người viết và người thưởng lãm cũng có sự liên thông cảm xúc, mà không cần một ngôn ngữ nào diễn giải, những vần thơ câu chữ khi được phóng bút mang trong nó sự yên tĩnh của tâm hồn. Người đọc có những rung cảm đồng điệu với người viết qua cách bố cục hài hòa chặt chẽ, qua đường nét bay bổng sáng tạo, qua nội dung sâu lắng. Dĩ nhiên, ở đây chỉ đề cập đến những tác phẩm có “hồn”. Không phải ngẫu nhiên nhà thơ, nhà thư pháp Trụ Vũ đã viết về“thư pháp chữ Việt”, thể hiện sự thần diệu nơi tâm hồn khi ông sáng tác :

Trăng sáng soi đầu bút
Ngọn bút óng tơ vàng
Ý mực còn chưa trút
Tình chữ đã mang mang

Những điều trên, cho thấy chữ Việt có đầy đủ những điều kiện,những yếu tố để có thể đi đến khẳng định đó là nghệ thuật thư pháp như chính tên gọi của nó. 

(Sưu Tầm)

Thư Pháp


Ở Việt Nam thuở xưa, mỗi khi có dịp lễ người dân thường tìm đến những thầy đồ hay những người chữ đẹp văn hay xin chữ về treo trong nhà. Đó là một điều may mắn, thể hiện ước vọng của gia chủ.
Thầy đồ hay những người cho chữ viết một hay nhiều chữ bằng bút lông trên vải trắng hoặc giấy điều đỏ với nội dung chúc tụng, giáo dục con cháu trong gia đình. Nét chữ của họ thường được xem là rồng bay phượng múa. Lối viết như vậy được gọi là thư pháp. Thư pháp hiểu nôm na là viết chữ đẹp.
Tặng tranh thư pháp không đơn thuần là tặng một món quà trang trí để treo trong nhà mà còn tặng một thông điệp, một lời khuyên răn, nhắn nhủ, động viên người thân của mình hãy luôn sống và làm việc theo những giá trị nhất định.
Treo chữ thư pháp trong nhà có thể giúp ta thức tỉnh những suy nghĩ sai lầm, lệch lạc cũng như động viên, cổ vũ tinh thần cho những dự định sắp tới cho gia đình. Đặc biệt, nó đánh giá sự lễ nghi, đạo đức của gia đình với mọi người xung quanh.
Ngoài ra, về mặt phong thủy, treo tranh thư pháp trong nhà sẽ đem lại nhiều điều may mắn, hạnh phúc và thành công trong cuộc sống.

Những câu chữ trau chuốt, hòa quyện với những hình ảnh đầy ý nghĩa, tranh thư pháp là món quà không thể thiếu của người Việt. Hãy đến Việt thư pháp để “rinh” về những điều may mắn và tốt lành nhất cho gia đình và người thân của bạn!
Có nhiều chất liệu để lựa chọn như khung tranh, liễn, mành tre,… Mỗi chất liệu đều có nét đẹp và ý nghĩa riêng.

(Sưu tầm)