Chủ Nhật, 12 tháng 11, 2023

SONG SONG PHÁT TRIỂN THƯ PHÁP VIỆT Ở NHIỀU GÓC CẠNH XÃ HỘI VÀ HÀN LÂM

      bất kì một lĩnh vực nghệ thuật nào, một môi trường hoạt động chuyên môn nào cũng sẽ tồn tại song song ít nhất hai hướng phát triển: phát triển về chuyên môn nghiệp vụ và phát triển về thị hiếu đại chúng!

Thư pháp chữ quốc ngữ cũng vậy!
Tuy thời gian hình thành và phát triển còn non trẻ, nhưng phong trào và hoạt động của cộng đồng những người yêu bộ môn này thì vẫn lớn mạnh và bùng nổ từng ngày!
Ngày trước, số người biết viết thư pháp thì ít! Nhưng ngày nay việc phát triển của công nghệ số, mạng xã hội, công nghệ 4.0, 5.0 phát triển thì việc tiếp cận và học thư pháp cũng trở nên dễ dàng hơn! Nhưng:
Điều đó cũng đồng nghĩa với việc sản xuất ra hàng loạt những tay bút "mì ăn liền", những người chưa có một sự đầu tư nghiêm túc cho bộ môn về mảng nghiên cứu, mà chỉ chạy đua theo phong trào và phục vụ cho những lợi ích cá nhân nhanh gọn lẹ nhất!
Điển hình là rất nhiều lớp thư pháp được đăng tuyển, chiêu sinh với lời hứa hẹn: "Lớp thư pháp cấp tốc"; "lớp thư pháp 1 tháng"; ...
Sẽ không đề cập đến những mục đích học khác nhau của mọi người vì có người học chỉ để biết viết, học chỉ để có thêm cái thú chơi tao nhã,... nhưng sẽ phải để tâm, chú ý hơn về chất lượng đào tạo, hướng dẫn và định hướng cho các lớp thư nghệ, để thư pháp quốc ngữ sớm được công nhận chính thức hơn về mặt chuyên môn!
Phát triển về mặt chuyên môn thì người viết phải xây dựng được cho bản thân một tâm thế vững vàng về mặt lý thuyết, hiểu được giá trị của nghệ thuật thư pháp là gì? Viết thư pháp là hình thức vận dụng tất cả công năng của ngọn bút lông để tạo ra chữ viết đẹp mang tính thẩm mỹ cao và có nét riêng biệt của chữ viết tay cá nhân! Tồn tại trong đó là kỹ thuật sử dụng thành thạo văn phòng tứ bảo và một tư duy sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ, mang cá tính riêng, độc bản hoặc chí ít là có sự độc lập về tư duy sáng tác!
Ngoài ra, trau dồi thật nhiều về kiến thức đời sống và học vấn để vận dụng đưa vào truyền tải nội dung, nội hàm cho tác phẩm, góp phần xây dựng tích cực cho việc giáo dục thông qua nghệ thuật chữ viết!

Còn phát triển về mặt thị hiếu đại chúng cũng giống như việc: "làm dâu trăm họ", phục vụ cho đại đa số dùng thư pháp với mục đích thương mại, bình thường hóa! Lúc này, đối tượng tiếp cận với bộ môn cũng giảm đi về mặt chuyên môn, thay vào đó là mặt bằng chung về một sản phẩm thủ công mỹ nghệ thị trường hóa!

Song! Phát triển về mảng nào cũng được, miễn là sự học tập và phát triển đó phải xuất phát từ cái tâm trong sáng và sự thực hành nghiêm túc với nghề.
Cân bằng được giữa việc "chơi" chữ và "bán" chữ mới là 1 nghệ thuật!

SG 29.06.2023



THỰC HÀNH THƯ PHÁP LÀ MỘT PHƯƠNG PHÁP RÈN LUYỆN

    Thực hành thư pháp cũng là một phương pháp rèn tính kỷ luật và cần mẫn!
Một trong những tính xấu sẵn có của con người là sự vội vàng, hấp tấp, đôi khi còn cả sự vô kỷ luật trong chính những việc làm nhỏ nhất!
Việc luyện tập viết chữ cũng là một phương pháp thiền cơ bản, rèn dũa tính cẩn thận, cẩn trọng trong mọi ý thức về hành động!
Đồng thời việc mài dũa chữ viết trong các bài tập luyện nét, luyện chữ cũng sẽ giúp bạn có thêm thời gian để bình tâm lắng lại, làm việc có kế hoạch và áp dụng kỷ luật vào công việc hơn bình thường!
Xuân Thành
SG 24/08/2022



THƯ NGHỆ VIỆT

 "Phong văn nước cũ truyền người trước

Mực thước đạo xưa dẫn kẻ sau"

Trong lịch sử của các nền thư pháp Á Đông đã ghi nhận rất nhiều nhà thư pháp tiền bối, họ là những cổ nhân đã đề tên mình vào tiềm thức và lòng ngưỡng mộ của biết bao thế hệ hậu bối bởi những cống hiến và những giá trị văn hóa thư nghệ mà các vị đã để lại cho đời.
Và điều hiển nhiên, khi nhắc đến nghệ thuật thư pháp Á Đông, không thể không nhắc đến Trung Hoa- "Cái nôi" của nghệ thuật thư pháp bút lông, mực tàu mà hơn 2000 năm nay, tất cả các nước đồng văn gần xa như Triều Tiên, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam,...đều nghiêng mình kính nể, lấy đó làm cơ sở, nền tảng để tiếp nhận, học hỏi và phát triển đa dạng hóa cho nền thư pháp riêng biệt của mỗi quốc gia.
Vì lẽ đó, không thể phủ nhận sức ảnh hưởng và nền tảng lý thuyết, cũng như thực hành của thư pháp Trung Hoa đối với thư pháp Việt. Trên hết, đó là một sự học hỏi, cầu thị và tiếp nối tiền nhân. Chúng ta phải làm rõ: giá trị văn hóa nghệ thuật là một khía cạnh độc lập và nó không liên can gì đến bất kì các vấn đề khác xoay quanh các quốc gia trên thế giới. Việc tiếp thu và trau dồi vốn kiến thức thư nghệ đã trở thành việc tất yếu đối với những ai đam mê nghiệp cầm bút chơi chữ.
Những giá trị học thuật được người xưa đúc kết nay được gìn giữ và xác nhận hữu hiệu qua biết bao thế hệ, bởi những con người đã sống, mất đi và đương thời đón nhận luôn là kim chỉ nan cho những ai mới bắt đầu bước chân vào con đường đam mê nghiệp bút nghiên.
Thư pháp, ngoài là món ăn tinh thần, truyền tải đạo lý, nó còn là một phân môn nghệ thuật có tính hàn lâm. Không thể tự tiện hiểu nó theo cảm quan, để rồi tự huyễn hoặc và lấp liếm cho việc phát triển sai con đường học tập thư nghệ, dẫn đến hậu quả sau này cho các thế hệ đi sau. Một người viết tốt, ít nhất là khi đặt bút viết, ta có thể làm chủ được ngọn bút, linh hoạt sử dụng mọi mặt của bút mà không phải rập khuôn theo một công thức bất kì tạo nên những sản phẩm bình thường, cứng nhắc. Hãy để mỗi lần được viết, là một cảm xúc mới mẻ, là một hình thái của sự tự do trong nét bút nhưng vẫn phải hội tụ đủ những kỹ thuật cần thiết có, và luôn đem lại sự hấp dẫn cho người xem, để chữ viết trở nên tác phẩm, trở nên sống dậy trên mặt giấy.
Bất chợt một ngày, bạn nhìn lại những chữ viết bạn đã viết trong suốt những năm tháng qua, có bao giờ bạn tự thấy nó như cái máy in và in tới in lui chỉ một kiểu chưa? Và bạn biết mình nên làm gì tiếp theo rồi đấy!
Thay đổi và hoàn thiện dần nào!

SG, 21/09/2021



Thú chơi của người nghiện chữ- THƯ PHÁP VIỆT

     Cái gọi là thú chơi của người nghiện chữ

    Cốt là ở việc họ được tung hoành, được phiêu linh cùng với con chữ.
Trong sáng tạo của mỗi một nghệ sĩ, họ nuôi dưỡng và hình thành chất xám. Để tới khi đạt được cực độ của cảm hứng, người nghệ sĩ thư pháp, sẵn bút, nghiên, giấy, mực. Họ phóng tác theo cảm xúc, theo tư tưởng và kỹ pháp đặc thù vốn có của họ.
Việc vận hành một giá trị nghệ thuật qua bút, mực là thể hiện cái tôi trong tác phẩm. Giá trị này không phải ngày một ngày hai mà hình thành nên. Nó đòi hỏi người học viết phải trải qua từng quá trình của bộ môn.
Cái khó là làm sao, người viết phải nắm bắt được những kỹ thuật cơ bản, vững vàng về kiến thức, điều khiển thành thục văn phòng tứ bảo, sau đó là đi đến những hoài bão và cá tính riêng trong bộ môn thư nghệ.
Tôi vẫn thường khuyến khích các học trò của mình đi theo mỗi lối đi riêng biệt, đó là sự khai thác tính cá nhân trong nét bút, tư duy sáng tạo nghệ thuật, nhưng trước hết, phải nắm chắc cái cần biết, hiểu rõ cái cần hiểu và vững vàng trong cái căn bản.
Hành trình chinh phục cái hay trong thư pháp còn rất dài và dài. Hãy không ngừng đột phá và thể nghiệm mình ở nhiều khía cạnh của bút pháp, sẽ thấy cái hay trong từng nét chấm phá, tung hoành và điên đảo!
Xuân Thành- Sài Gòn 16/7/2021



THƯ PHÁP VIỆT - Giá trị của nghệ thuật nằm ở góc nhìn rộng mở!

 Giá trị của nghệ thuật nằm ở góc nhìn rộng mở! Không có cái gọi là lố bịch hay xàm gỡ khi dòng chảy văn hóa vẫn ngày một được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Con người Việt Nam của hiện tại, biết lấy cái hiện đại mà bồi đắp cái cổ xưa.

Và Nghệ thuật viết chữ cũng nằm trong mạch ngầm của tinh thần dân tộc yêu chuộng chữ nghĩa. Nếu không thích, có thể không xem, chứ đừng phỉ báng, hay mạnh miệng bác bỏ dựa trên cảm tính cá nhân một cách cổ hủ và khắt khe, bởi lẽ: "Nghệ thuật không dành cho những tâm hồn của kẻ khô khan, mục nát và săm soi!"
Trở lại câu chuyện ngàn năm muôn thuở khi chữ quốc ngữ là đề tài bàn tán cho việc: có hay không thư pháp chữ latinh quốc ngữ! "NHỮNG THỨ CHỮ VIẾT KIỂU UỐN ÉO, NGOẰN NGHOÈO ABC KIA LÀ LỐ BỊCH!"
Xin thưa: Sự so sánh giữa nghệ thuật thư pháp Trung Hoa và nghệ thuật viết chữ Việt Nam quốc ngữ la tinh là khập khiễng! Không ai lại đi so tuổi đời của lão tiền bối sống cả đời với cậu tiểu đồng đang tuổi thì mới lớn đầy sức xuân!
Cái gọi là thư pháp vốn hiểu là nghệ thuật viết chữ, mà đã là chữ viết, thì có trăm ngàn vạn cách thể hiện, trong đó yếu tố mỹ thuật và giáo dục vẫn được đặt lên hàng đầu.
Vấn đề cần nói có lẽ là chuyện một nhóm người cho là: Tượng hình của Trung Hoa dân quốc mới là cốt tủy để hình thành nên thư và pháp. Còn lại thì không?
???
Cơ bản chữ tượng hình đã mang yếu tố họa trong cách viết, đó vốn là sự ưu ái đặc quyền khiến cho Trung Quốc có thể phát minh ra thư và pháp để ngày nay chúng ta có thư pháp chữ Hán. Còn chữ latinh là tượng thanh, yếu tố họa hình không có, nhưng trải qua nhiều năm tháng, nó trở thành thứ ngôn ngữ hiện đại ở nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Người Việt dùng tiếng Việt để sống và phát triển đến ngày nay, vậy cớ gì chúng tôi không được phát triển tiếng mẹ đẻ của mình trở thành một môn nghệ thuật mang đầy đủ chân thiện mỹ!
Vấn đề ở chỗ là thời gian chưa đủ để thư pháp quốc ngữ có sự va vấp, trải nghiệm qua nhiều thế hệ, để đưa đến một tầm cao khác ở một giai đoạn khác mà khi đó, những ai còn cổ hủ giữ khư khư quan điểm chối bỏ nghệ thuật viết chữ quốc ngữ sẽ thay đổi cái nhìn tích cực hơn.
Thời gian sẽ dần chứng minh, sàn lọc và đúc kết được giá trị thẩm mỹ và giá trị tinh thần cho bộ môn viết chữ latinh bằng bút lông mực tàu. Vì rằng: cả chữ Hán lẫn chữ Latinh đều đáng được trân trọng, vì đó là cái hồn, cái máu của con người, của văn hóa dân tộc và của những ngưòi có tâm hồn biết thương hiểu!
XT
SaiGon 28/02/2021



VALENTINE NÓI CHUYỆN TÌNH YÊU THƯ PHÁP

  


 Ngày Valentine nói chuyện về tình yêu. Nhưng là tình yêu với thư pháp, với nghiệp thư đồ.
Thư pháp Việt mang tinh thần của người Việt, sống hiện đại nhưng vẫn giữ trọn những giá trị cổ truyền.


Có thể nói trải qua vài chục năm hình thành và phát triển, thư pháp chữ Quốc ngữ được lĩnh hội sự tinh túy của các nền thư pháp lâu đời trên thế giới. Sự kết tinh của nhiều nền văn hóa có chọn lọc khiến cho sự phát triển của thư pháp Việt trở nên hữu hiệu hơn bao giờ hết.
Thừa hưởng tinh thần yêu chuộng chữ nghĩa của văn hóa Á Đông, thư pháp Việt Nam Quốc Ngữ đặt tiêu chí trọng đạo lên hàng đầu. Sự truyền tải thông điệp văn chương, giáo dục, triết lý sống, đạo lý tôn giáo và những thông điệp tinh thần nghệ thuật được truyền bá rộng rãi, hiệu quả. Thông qua việc chắt lọc nội dung thể hiện tác phẩm, người nghệ sỹ thư pháp và người khán giả mộ điệu có thể cùng nhau tương tác, chia sẻ, trăn trở và thấu hiểu những giá trị cốt lõi về mặt nội dung tác phẩm. Từ đó khơi gợi những giá trị sống thiết yếu thông qua nghệ thuật viết chữ.


Chọn văn phòng tứ bảo ( Bút, Nghiên, Giấy, Mực) làm phương tiện truyền tải nhằm đề cao tinh thần văn hóa của người Châu Á, đồng thời giúp người nghệ sỹ dễ dàng thăng hoa và thổi hồn vào tác phẩm một cách bình dị nhất, mộc mạc, gần gũi nhất nhưng không kém phần trạng trọng.


Đó là chưa kể, đến việc chọn khoác lên mình một bộ quốc phục để thể hiện con chữ cũng phần nào tăng tính hiện diện của những người chọn bút nghiên làm nghiệp, chọn chữ nghĩa làm lẽ sống. Họ gìn giữ những giá trị truyền thống, dẫu có là nghìn năm của nền thư pháp Hán Nôm, hay là chục năm của nền thư pháp Quốc Ngữ thì những giá trị chân- thiện- mỹ đó vẫn sẽ mãi lưu truyền đến hậu thế.


Ngày nay, việc trọng chữ vẫn còn được quan tâm khi hằng năm, ở Hà Thành, chúng tôi có Hội chữ Xuân Văn Miếu Quốc Tử Giám. Sài Thành, chúng tôi có Hội Chữ Xuân Phố Ông Đồ, và trên 64 tỉnh thành, là các con phố chữ, phố ông đồ, tuy quy mô lớn nhỏ khác nhau nhưng tình yêu con chữ ở mỗi nơi là như nhau, nồng cháy, mãnh liệt.


Thư pháp là mạch ngầm bền bĩ, âm ỉ len lỏi vào đời sống tinh thần của người Việt, góp phần làm đẹp cho cuộc đời, cho những ngày Xuân, và cho những giá trị truyền thống thêm thăng hoa, thêm sâu sắc và mãi mãi trường tồn, phồn vinh.
XT 14/2/2021


Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2021

CÁI TÔI trong thư pháp VIỆT

Thư pháp của tôi có thể đẹp hoặc không đẹp, đó là phụ thuộc vào gu thẩm mỹ và mắt nhìn của mỗi cá nhân. Nhưng chắc chắn thư pháp của tôi viết ra phải là cảm xúc của tôi và phải thật là TÔI!

Khi phóng bút, tôi đặt cảm xúc của mình lên hàng đầu. Tôi nghĩ: câu chuyện của mình viết lên từ con chữ nó cũng giống như chính hành trình mà mình đã đi qua, vui, buồn, có đủ...

Vì thế có những lúc, chữ tôi sẽ khác, nhưng khác về phần hồn, về phẩn cảm xúc nhưng nhìn chung, vẫn nhận ra đâu đấy, tinh thần của chính tôi trong chữ.



Đó là cái riêng khi người nghệ sỹ lao động mỗi ngày, luyện tập, học hỏi, khai phá bản thân với nhiều cái mới, tự đặt ra mục tiêu phấn đấu và luôn luôn làm mới mình. Con đường đó, là con đường gồ ghề, nó vẫn trải đầy hoa hồng, nhưng nó đầy gai, và buộc ta phải đổ xương máu ra vì nó.

Thư pháp cũng thế. Tôi vẫn thường nhắn nhủ với các học trò mình: hãy làm mới mình, đừng mãi luyện theo nét chữ của một ai đó kể cả tôi. Khi bạn đã thực sự vững vàng, hãy tìm cho mình một nét riêng để định hình, để phục vụ, để cống hiến hay đơn giản để được là chính mình!

Nghệ thuật nói chung hay thư pháp nói riêng: Phát triển khi nó đa dạng, muôn hình vạn trạng và tính cá nhân được đề cao. Đừng để nghệ thuật bị biến thành một cái khuôn và chúng ta chỉ mãi là người đổ khuôn!

XT

SG 2/12/2020