Dân trí) - Ông đồ “nhí” Võ Tuấn Xuân Thành đang là học sinh lớp 9 trường THCS Gò Vấp. Không chỉ viết thư pháp, cậu bé còn biết vẽ tranh, ca hát… và mơ ước trở thành kiến trúc sư trong tương lai.
Ngày 19/1, hai phố ông đồ tại Nhà văn hóa Thanh Niên và Cung văn hóa Lao Động chính thức khai mạc, mở đầu cho chuỗi hoạt động lễ hội tết Giáp Ngọ tại TPHCM. Cả hai phố quy tụ gần 100 đôi tay tài hoa đến từ nhiều tỉnh thành, cùng nhau đem nét xuân cổ truyền về với thành phố mang tên Bác.
Đặc biệt, phố ông đồ năm nay tại Nhà văn hóa Thanh Niên có sự góp mặt của ông đồ “nhí” Võ Tuấn Xuân Thành đang là học sinh lớp 9. Đam mê thư pháp chữ Việt từ thuở bé, Xuân Thành đã có 7 năm trau dồi bút mực. Nét chữ của ông đồ nhí cũng được các đàn anh đánh giá cao, thể hiện sự sáng tạo không ngừng của một cây bút trẻ.
Ông đồ "nhí" Xuân Thành là nghệ sĩ thư pháp nhỏ tuổi nhất phố ông đồ năm nay
Đã có 7 năm luyện chữ nên nét bút của Xuân Thành rất thành thục, uyển chuyển
Không chỉ viết chữ, vẽ tranh, em học sinh Võ Tuấn Xuân Thành của lớp 9/3 trường THCS Gò Vấp còn nhiều tài lẻ khác như: ca hát, diễn văn nghệ, thiết kế blog...
Xuân Thành hiện đang là thành viên của CLB Thư pháp Nhà văn hóa Thanh Niên và CLB Thư họa Tân Bình, từng tham gia vài chương trình biểu diễn thư pháp trong năm. Xuân Thành hồn nhiên chia sẻ: “Em rất vui khi được mọi người gọi là “ông đồ nhí”. Hơi tiếc là em giữ danh hiệu này trong một vài năm thôi, sau đó sẽ có các ông đồ nhí khác thay thế em”.
Phố ông đồ năm nay ngoài việc gia tăng số lượng nghệ sĩ thư pháp còn trưng bày nhiều sản phẩm thú vị như: thư họa chữ "ngựa" - chữ "mã", thư pháp tiếng Anh, tranh thư pháp bằng gạo lứt...
Tối 19/1, Lễ hội tết Việt Giáp Ngọ 2014 chính thức khai mạc với màn biểu diễn của hơn 30 ông đồ
Ngay trong ngày khai mạc, phố ông đồ đã đón tiếp rất đông khách tham quan đến chụp ảnh, mua tranh
Cụ đồ Mai Trợ (83 tuổi) đến từ Quảng Nam là người viết thư pháp chữ Hán Nôm duy nhất tại phố ông đồ
Xuân Giáp Ngọ nên hình ảnh chú ngựa không thể thiếu trên phố ông đồ. Rất nhiều bức tranh vẽ ngựa cùng dòng chữ "Mã đáo thành công". Đặc biệt, khán giả rất thích thú khi bắt gặp một số bức thư họa độc đáo về hình ảnh con ngựa đầy tính sáng tạo.
Không chỉ sử dụng bút lông, các nghệ sĩ còn dùng bút lửa (ngòi bút nóng đỏ làm cháy sém mặt gỗ tạo thành hình ảnh) và bút lược (mẩu tre có khắc răng lược tạo những nét song song với nhau)
Một bức thư pháp được ghép tỉ mỉ từ hàng ngàn hạt gạo lứt
Gian hàng của chị Kim Yến - một cô giáo dạy Anh văn có phục vụ viết thư pháp ngoại ngữ
Anh bạn người Hà Lan yêu mến thư pháp Việt đến phụ giúp chị Kim Yến quản lý gian hàng
Không chỉ tham gia các phố ông đồ, các nghệ sĩ thư pháp còn biểu diễn theo đơn đặt hàng của các cơ quan, xí nghiệp... Ông đồ Dương Minh Hoàng nhận xét: "Tranh thư pháp năm nay được lựa chọn ngày càng nhiều cho công việc trang trí nhà cửa, trường học, công sở. Nhiều nhất là các dòng sản phẩm về câu đối thư pháp Việt. Số lượng công ty đặt show ông đồ khá hơn năm ngoái nhưng chi phí dành cho các show giảm đi chứ không tăng, điều này do tình hình khó khăn chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, việc thư pháp chữ Việt ngày càng được ưa chuộng là tín hiệu vui đối với nghệ sĩ thư pháp cũng như những người yêu mến nét đẹp cổ truyền".
Ngày càng nhiều cơ quan, công ty mời ông đồ biểu diễn trong các chương trình mừng xuân mới.
Hồng Nhung
Theo Báo dân trí
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét