Thứ Tư, 21 tháng 8, 2024

BÀI THAM LUẬN HỘI THẢO THỰC TRẠNG THƯ PHÁP CHỮ QUỐC NGỮ TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY- TRIỂN LÃM VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM: "NGHIÊN BÚT CÒN THƠM"

 

BÀI THAM LUẬN HỘI THẢO THỰC TRẠNG THƯ PHÁP CHỮ QUỐC NGỮ TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY

Tác giả: Võ Tuấn Xuân Thành

---oOo---

I/ NHÌN NHẬN SỰ KẾ THỪA CỦA THƯ PHÁP QUỐC NGỮ DỰA TRÊN NỀN TẢNG CỦA NGHỆ THUẬT THƯ PHÁP TRUYỀN THỐNG

Thư pháp Quốc Ngữ trước hết phải được xây dựng trên nền tảng của thư pháp chữ Hán nhưng không nhất thiết phải phát triển theo con đường của thư pháp chữ Hán trong tương lai!

Tại sao nói thư pháp Quốc Ngữ trước hết phải được xây dựng trên nền tảng của thư pháp Hán?  

Theo một số nguồn thông tin hiện hành, thư pháp Quốc Ngữ, nguồn gốc bắt nguồn từ việc nhà thơ Đông Hồ (ông Lâm Tấn Phác) dùng bút lông Trung Hoa để viết các bài thơ của ông bằng hệ chữ latinh (abc) sau khi ông nhận thấy sự thay đổi và lụi tàn của một nền văn hóa chữ Hán-Nôm, khiến cho chữ Hán Nôm dần đi vào quên lãng và khó tiếp cận với thế hệ sau. Vì vậy, sáng kiến dùng bút lông để thể hiện chữ quốc ngữ suy cho cùng cũng là sự tự phát dựa trên cơ sở thư pháp Hán Nôm mà ông cùng các vị tiền bối đương thời đã thực hành. Thế nên, chưa có một cơ sở lý luận hay lý thuyết nào chính xác về các phép hay các pháp thực hành của chữ latinh trên công cụ là cây bút long và mực nho. Vì lẽ đó, không thể nói thư pháp Quốc Ngữ là một bộ môn nghệ thuật chữ viết độc lập tự sinh ra nếu như không có nền móng và hệ thống thư pháp chữ Hán- Nôm đi trước và tồn tại trước đó một thời gian dài.

Về cơ bản, cách viết chữ tượng thanh của người Việt Nam khi dung hệ thống ký tự latinh cũng không khác gì mấy so với hệ chữ có yếu tố tượng hình như chữ Hán. Các kỹ năng về mặt hình thức và sử dụng bút lông để thực hành thệ thống chữ cơ bản của thư pháp Hán như Triện, Lệ, Khải, Hành, Thảo cũng có thể được áp dụng cho việc nghiên cứu cách vận bút vào chữ latinh để viết nếu người chơi chữ có sự hiểu biết và có thời gian học tập, tìm hiểu về thư pháp Hán.

Ngoài ra, các yếu tố như chương pháp (bố cục) hay các cách sử dụng bút lông, dấu triện,v..v..của thư pháp Hán cũng phần nào là yếu tố quan trọng trong việc hình thành và hoàn thiện một tác phẩm thư pháp quốc ngữ. Không thể tránh khỏi vì những yếu tố trên là yếu tố then chốt quyết định đến độ thẩm mỹ và giá trị của tác phẩm nghệ thuật viết chữ của người phương Đông nói chung và người theo văn hóa Á Đông nói riêng.

Đó là lý do mà thư pháp quốc ngữ phải được xây dựng dựa trên nền tảng cơ bản của thư pháp Hán mà không thể tự sinh, đồng thời đó cũng được xem như là tinh thần học hỏi, có giá trị kế thừa sâu sắc, hợp lý và chọn lọc.

Tuy vậy, Thư pháp Quốc Ngữ không nhất thiết phải phát triển theo con đường của thư pháp Hán trong tương lai!



Đừng tự kìm kẹp mình trong những quy tắc bắt  buộc không cần thiết của thư pháp Hán khi mà chữ latinh phần nào đã thoát ra khỏi những quy tắc đó để trở thành một hệ thống chữ viết riêng. Đối với văn hóa chữ viết phương Tây, cũng tồn tại song song dòng chảy mang tên Calligraphy (nghệ thuật viết chữ đẹp) với đầy đủ yếu tố sáng tạo, thẩm mỹ và logic dựa trên hệ thống chữ viết latinh. Thư pháp Quốc Ngữ hiện nay tương đối có khả năng và tiềm năng tích hợp cả cái gốc của thư pháp Hán và sự linh hoạt của thư pháp Phương Tây. Vì thế, hãy chọn một hướng đi mới, có sự giao thoa hơn thay vì giữ khuôn khổ cứng nhắc của một nền thư pháp vốn đã đi vào lịch sử văn hóa nghệ thuật của nhân loại.

Lột xác để làm mới mình trên tinh thần học hỏi và tham khảo những tinh túy của thư pháp chữ Hán truyền thống, chọn lọc những yếu tố chưa cần thiết hoặc không thật sự cần thiết, hoặc không phù hợp của chữ Hán đối với chữ Việt, để thư pháp Quốc Ngữ có nhiều cơ hội phát triển xa hơn trên con đường tiến tới trở thành một bộ môn nghệ thuật chữ viết hợp thức hóa của nhân loại.

 


II/ THƯ PHÁP QUỐC NGỮ- BỘ MÔN NGHỆ THUẬT CÓ TÍNH HÀN LÂM HAY CHỈ LÀ MỘT SẢN PHẨM TRANG TRÍ MANG YẾU TỐ THƯƠNG MẠI?

            Ở bất kì một lĩnh vực nghệ thuật nào, một môi trường hoạt động chuyên môn nào cũng sẽ tồn tại song song ít nhất hai hướng phát triển: phát triển về mặt chuyên môn hàn lâm và phát triển về thị trường, thị hiếu đại chúng!

Thư pháp chữ Quốc ngữ cũng vậy!

Tuy thời gian hình thành và phát triển của thư pháp Quốc Ngữ còn non trẻ, nhưng phong trào và hoạt động của cộng đồng những người yêu bộ môn này thì vẫn lớn mạnh và bùng nổ từng ngày!

Ngày trước, số người biết viết thư pháp thì ít! Nhưng ngày nay việc phát triển của công nghệ số, mạng xã hội, công nghệ 4.0, 5.0 phát triển thì việc tiếp cận và học tập, rèn luyện thư pháp cũng trở nên dễ dàng hơn! Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc sản sinh ra hàng loạt những tay bút "mì ăn liền", những người chưa có một sự đầu tư nghiêm túc cho bộ môn về mảng nghiên cứu, mà chỉ chạy đua theo phong trào và phục vụ cho những mưu cầu cá nhân tức thời.

Sẽ không đề cập đến những mục đích học tập thư pháp khác nhau, vì có người học chỉ để biết viết, học chỉ để có thêm một thú chơi tao nhã,... nhưng sẽ phải để tâm, chú ý hơn về chất lượng đào tạo, hướng dẫn và định hướng cho các lớp thư pháp Quốc Ngữ, để sớm được nhìn nhận chính thức về mặt chuyên môn và có cơ sở nền tảng chính quy hơn trong tương lai.

Phát triển về mặt chuyên môn thì người viết phải xây dựng được cho bản thân một tâm thế vững vàng về mặt lý thuyết, hiểu được giá trị của nghệ thuật thư pháp là gì? Pháp trong nghệ thuật viết thư pháp là vận dụng tất cả công năng của ngọn bút lông, hiểu được tính chất của từng loại giấy, mực khác nhau, để tạo ra những tác phẩm mang tính thẩm mỹ cao và có nét riêng biệt của chữ viết tay cá nhân! Bên cạnh đó, quan trọng hơn cả là tư duy sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ, mang cá tính riêng, độc bản hoặc chí ít là có sự độc lập về tư duy sáng tác!

Học thư pháp và luyện tập thực hành thư pháp, theo tôi, người học sẽ phải trải qua những giai đoạn sau:

-Khai: Là khoảng thời gian mới tiếp cận bộ môn, có sự tiếp nhận kiến thức cơ bản và luyện tập theo từng cấp độ từ nhập môn đến nâng cao.

-Tìm: Là giai đoạn tiến tới sự tìm tòi và nâng cao tầm hiểu biết cũng như tầm nhìn về mọi mặt dựa trên góc độ khoa học, văn hóa và mỹ thuật của nghệ thuật thư pháp Thế giới nói chung và thư pháp Quốc Ngữ nói riêng.

-Nghi: Giai đoạn này, buộc người học thư pháp phải tự đặt ra những câu hỏi cho tất cả các vấn đề cốt lõi lẫn các vấn đề ngoại cảnh khác về nhiều khía cạnh của nghệ thuật viết chữ,  sau đó đi tìm câu trả lời cho chính mình bằng nhiều hình thức nghiên cứu cá nhân.

-Triển: Là giai đoạn thực hành mở rộng,  phát huy hết khả năng hiểu biết về lý thuyết lẫn thực hành thông qua việc sáng tác tác phẩm, viết bài nghiên cứu, tổ chức và tham gia tọa đàm hội, nhóm,…

-Phá: Ở giai đoạn này, đòi hỏi người học thư pháp phải có một bề dày thời gian tiếp xúc, gắn bó với thư pháp đủ lâu, nắm được những kiến thức cơ bản bắt buộc, để khai phá những hướng đi mới, phá đi những lối mòn có xu hướng dậm chân tại chỗ,  để sáng tạo hơn trong đường nét,  bút pháp,  bố cục,  ý tưởng và chất liệu...v...v đây là giai đoạn quan trọng, quyết định đến thời gian tồn tại của một người nghệ sỹ. Tất nhiên, nó sẽ được thực hiện một cách có bài bản và hiệu quả nếu người viết đã hoàn thiện 4 giai đoạn trên.

-Vấn: Viết lại, tổng kết lại được hệ thống kiến thức chung và riêng cho chính mình và cộng đồng. Đây cũng được xem như giai đoạn của sự cống hiến, công việc chia sẻ kiến thức , đúc kết và hình thành kiến thức dựa trên nền tảng đã được học và tìm hiểu.

Ngoài ra, trau dồi thật nhiều về kỹ năng đời sống và kiến thức học vấn để vận dụng đưa vào việc khai thác ý tưởng, xây dựng nội hàm, truyền tải nội dung cho tác phẩm, góp phần xây dựng tích cực cho việc giáo dục thông qua nghệ thuật viết chữ.

Ngày nay, khi đã đi được một hành trình tương đối chông gai, thư pháp Quốc Ngữ may mắn được sinh ra trong giai đoạn xã hội tiến bộ về công nghệ thông tin, các hình thức học tập, giao lưu tương tác hiện đại, cùng với đó là sự hỗ trợ từ các cơ quan chuyên chính về văn hóa, văn nghệ, của báo chí truyền thông giúp cho thư pháp Quốc Ngữ có những sân chơi chuyên nghiệp như triển lãm, hội thảo,… mang đầy đủ yếu tố hàn lâm, đồng thời tiếp cận được đông đảo công chúng yêu thích nghệ thuật chữ viết, nâng tầm thư pháp Quốc Ngữ và định hướng cho bộ môn này đi đúng con đường mà tiền nhân kì vọng, hậu bối mong muốn.


 

Còn phát triển về mặt thị hiếu mang tính đại chúng, tính thương mại cũng giống như việc: "làm dâu trăm họ", phục vụ cho đại đa số khách hàng có nhu cầu sử dụng tác phẩm, sản phẩm thư pháp với nhiều mục đích khách nhau, nhưng tụ chung được xem như trao đổi sản phẩm thương mại! Lúc này, đối tượng tiếp cận với bộ môn cũng giảm đi về mặt chuyên môn, thay vào đó là mặt bằng chung về một sản phẩm thủ công mỹ nghệ có tính thị trường.

Song! Phát triển về mảng nào cũng đều cần thiết, quan trọng là sự học tập và phát triển đó phải xuất phát từ cái tâm trong sáng và sự thực hành nghiêm túc với nghề. Cân bằng được giữa việc "chơi" chữ và "bán" chữ mới là một nghệ thuật.

Ấy cho nên, mới thấy việc học tập và rèn luyện thư pháp Quốc Ngữ cũng lắm công phu, mới thấy những người nghệ sĩ chân chính cũng say sưa mỗi ngày, tự mình nâng cao kiến thức, khả năng và tâm trí cho nghệ thuật thư pháp Quốc Ngữ, hướng đến chân thiện mỹ, khi tác phẩm được đưa ra trình làng,  công chúng sẽ đón nhận bằng tất cả tấm chân tình, thưởng lãm có chọn lọc và hiểu biết. Đồng thời, thư pháp Quốc Ngữ cũng tiến đến việc xây dựng một thị trường trao đổi, buôn bán tác phẩm, sản phẩm chuyên nghiệp và nhuận bút sẽ được trả xứng đáng cho thành quả lao động chất xám nghiêm túc của những người nghệ sĩ yêu và sống chết hết mình cho nền văn hóa nghệ thuật nước nhà.

 


III/ THƯ PHÁP QUỐC NGỮ CÓ THẬT SỰ TỒN TẠI GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT  HAY CHỈ LÀ MỘT PHONG TRÀO NHẤT THỜI SỚM NỞ CHÓNG TÀN?

Trải qua hơn 2 thập kỷ hồi sinh phong trào thư pháp, tôi nhận thấy có nhiều vấn đề cần phải lạm bàn, nhưng điều đáng bận tâm đó là trả lời cho câu hỏi: “Thư pháp Quốc Ngữ liệu có thật sự tồn tại giá trị nghệ thuật hàn lâm hay chỉ dừng lại như một phong trào nhất thời sớm nở chóng tàn?”

Nếu như Thư pháp Hán Nôm vốn dĩ đã có cho mình một bề dày lịch sử, nền tảng căn cơ nhất định về lý thuyết và thực hành, thì thư pháp Quốc Ngữ vẫn còn mãi loay hoay với vô vàn những vấn đề chưa thể làm rõ và trong nhất thời, không thể thúc ép việc này một cách kiên cưỡng, mà cần rất nhiều thời gian cho việc hình thành, xây dựng và phát triển một hệ thống lý luận có khoa học, đi kèm đó là sự hợp lý về mặt thời đại. Thư pháp Quốc Ngữ hiện nay thật sự đang trên đà phát triển, tuy nhiên, sự phát triển mông lung này dẫn đến hai mặt của một vấn đề, bao gồm cả tích cực lẫn tiêu cực. Mặt tích cực dễ dàng nhận thấy nhất đó là số lượng người quan tâm và luyện tập thư pháp mỗi ngày mỗi nhiều hơn. Sự quan tâm của báo chí truyền thông dành cho thư pháp Quốc Ngữ cũng đạt được tín hiệu đáng mừng. Song song đó, mặt tiêu cực còn đọng lại thì rất nhiều, đẩy thư pháp Quốc Ngữ vào những giai đoạn bế tắc về đường hướng phát triển và ý nghĩa thật sự của giá trị nghệ thuật chữ viết. Phải chăng, phần vì sự phát triển chóng mặt của xã hội hiện thời và phần vì cộng đồng những người theo đuổi loại hình nghệ thuật này chưa thực sự ngồi lại với nhau, chung tay đưa ra những tiêu chí, lý luận, phương án và định hướng một cách chuyên nghiệp hơn, nghiêm túc hơn để có tiềm năng chuyển mình và nâng tầm trở thành một bộ môn nghệ thuật thật thụ được công nhận.



Định nghĩa về thư pháp Quốc Ngữ theo tôi, đây là một bộ môn nghệ thuật tạo hình chữ viết bằng phương pháp sử dụng bút lông có kỹ thuật và đáp ứng được tính thẩm mỹ về mặt mỹ thuật, tính giáo dục về mặt văn hóa. Nếu làm rõ được nhận định này, không nhập nhằng về tính vay mượn và có giá trị kế thừa thư pháp Hán Nôm, thì trong tương lai, thư pháp Quốc Ngữ sẽ sớm có những trái ngon quả ngọt nhất định, tiến xa hơn trên trường quốc tế.

Có rất nhiều nhận định cho rằng, thư pháp Quốc Ngữ chưa thật sự có “pháp”. Hiện nay, thư pháp Quốc ngữ chỉ đang hiện diện như một tác phẩm mỹ thuật, đẹp xấu tùy thuộc vào mắt nhìn của mỗi người. Có người được đào tạo mỹ thuật cơ bản, sẽ có sự chỉnh chu hơn trong sáng tác và ngược lại, có khi còn trở thành những “thảm họa” chữ viết. Quan điểm của một tiền bối trong giới nghệ thuật thư pháp chữ Hán từng cho hay: “ Hán tự là chữ tượng hình, bút lông từng  gắn với chữ Hán hàng nghìn năm nên mỗi nét bút đều diễn đạt tâm tư tình cảm của con người. Dòng mực được các thư gia biến hóa, chuyển động một cách hợp lý với nét chữ, hợp tình với nghĩa chữ nên nó luôn có hồn. Do đó khi đặt bút viết chữ gì người ta nghĩ ngay đến phải dung thể chữ nào để viết, để diễn tả cái hồn trong đó, chứ không phải là cố ý theo bản sao của một kiểu chữ nào.”

Thư pháp Quốc Ngữ được phát triển rộng rãi từ những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ XX. Có thể nói, thư pháp Quốc Ngữ là một bộ môn nghệ thuật viết chữ có sự dung hòa và kết hợp từ hai nền văn hóa Đông Tây. Người viết chữ sử dụng công cụ là bút, nghiên, giấy, mực- những sản phẩm văn hóa của phương Đông để thể hiện ngôn ngữ và chữ viết latinh- hệ thống ký tự của phương Tây.


 

Ta biết rằng, các công cụ bút sắt, ngòi cứng thích hợp để thể hiện các đường nét thanh đậm, nhịp nhàng và đều đặn của chữ latinh, còn bút lông thì phù hợp để thể hiện các bộ nét của hệ thống chữ tượng hình vì đặc tính đàn hồi và biến dạng của ngòi bút, có đầy đủ chức năng để diễn đạt được ý, lực của người viết, khiến chữ viết trở nên phong phú và thiên biến vạn hóa. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, để điều khiển được bút lông thì không dễ chút nào. Đòi hỏi người học thư pháp phải có sự luyện tập không ngừng nghỉ cũng như sự nghiên cứu nhất định về các pháp khi sử dụng và hiểu được đặc tính của văn phòng tứ bảo. Song, một trong những thử thách cho người học thư pháp Quốc Ngữ đó là làm sao để thể hiện được tinh thần “thư nghệ” dựa trên một hệ thống ký tự tượng thanh có phần tối giản, đơn điệu và ít mang yếu tố tạo hình. Đây cũng là một bài kiểm tra chuyên môn cho những người theo đuổi thư pháp Quốc Ngữ, đòi hỏi  người chơi phải có sự tìm hiểu kiến thức về mỹ thuật tạo hình, thẩm mỹ bố cục, sắp đặt chữ viết…

Hiện nay, để có thể danh chính ngôn thuận chứng minh được giá trị nghệ thuật của thư pháp Quốc Ngữ, người học tập thư pháp phải có tinh thần cầu thị và hiểu được cốt lõi của việc viết chữ là tôn vinh vẻ đẹp của chữ viết, thông qua chữ viết để truyền tải thông điệp, tác phẩm văn học nghệ thuật một cách có thẩm mỹ và văn minh. Như vậy, việc học tập về văn hóa rất quan trọng, đi kèm là sự tìm tòi và tiếp nhận kiến thức về một nền tảng mỹ thuật cơ bản, là hành trang cần thiết cho quá trình nghiên cứu và sáng tác tác phẩm thư pháp Quốc Ngữ.

Việc sáng tác tác phẩm thư pháp Quốc Ngữ cũng đòi hỏi người viết phải làm rõ khái niệm sáng tác, tránh nhập nhằng và đánh tráo khái niệm với việc lâm mô, sao chép và tạo ra các sản phẩm thư pháp công nghiệp nghèo nàn về ý và nghĩa. Sáng tác- là tạo ra tác phẩm nghệ thuật có tính riêng biệt, mới mẻ và tính hàn lâm trong tác phẩm, đạt đủ cả về hình thức lẫn nội hàm. Đối với tác phẩm thư pháp Quốc Ngữ, phải đạt chuẩn yếu tố về mặt đường nét, bút pháp, mặc pháp,  chương pháp, văn phong ngữ pháp chuẩn chỉnh, có tính kế thừa và phát triển đối với thư pháp Hán Nôm, nhưng không rập khuôn mẫu cũ, mà hướng đến giá trị sáng tạo, hoặc chí ít là giá trị căn bản của vẻ đẹp thư pháp Á Đông. Như vậy, mới mong trong tương lai, nền thư pháp Quốc Ngữ có những thư gia đi theo hướng chuyên nghiệp trong phong cách sáng tác và định hướng nghệ thuật chuẩn hàn lâm.



Một thực trạng còn tồn  đọng hiện nay dẫn đến việc thư pháp Quốc Ngữ chỉ mới dừng lại ở tính phong trào đó là việc có nhiều người chơi thư pháp Quốc Ngữ chỉ chú trọng vô hình thức mà quên đi việc phát triển và nâng cao trình độ chuyên môn. Nhiều người có thâm niên viết tương đối lâu năm trong giới nhưng sau ngần ấy thời gian vẫn dậm chân tại chỗ với những lối mòn và những tư tưởng, tư duy lạc hậu. Nhiều CLB , hội nhóm mở ra, nhiều kỷ lục được trao tặng nhưng chỉ mang tính bề nổi, chỉ xét về hình thức, chiều dài, cân nặng mà không chú trọng về sức nặng nội tại của bút lực, của chương pháp hay mặc pháp- vốn dĩ là những yếu tố quan trọng hàng đầu của nghệ thuật viết chữ thư pháp Á Đông.

Thật ra, nếu xác định được những yếu tố cản trở và nhược điểm của thực trạng thư pháp Quốc Ngữ hiện nay, ta hoàn toàn có thể có cơ sở hướng đến một thời kỳ thăng cấp của thư pháp Quốc Ngữ, bởi trong tâm thức của người Việt Nam, ngôn ngữ, chữ viết tiếng Việt vẫn là tiếng long thiêng liêng, là vũ khí dựng nước, xây nước và giữ nước. Tiếng Việt còn thì non nước còn. Và thư pháp Quốc Ngữ hoàn toàn đủ điều kiện để diễn đạt được tâm, ý, khí, trí và lực của người yêu chuộng đạo lý, yêu cái đẹp của nghệ thuật và yêu con chữ.

Giá trị cốt lõi của nghệ thuật thư pháp Quốc Ngữ là thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc một cách có văn minh và học thức, nâng tầm giá trị thẩm mỹ mang tính hàn lâm học thuật, đồng thời gửi gắm cái tình, cái nghĩa, vào từng tác phẩm, chắt chiu và tinh lọc những giá trị kế thừa từ thư pháp Hán, dựng nên một nền thư pháp Quốc Ngữ có khoa học và chuyên nghiệp hơn trong tương lai.

---oOo---

Xuân Thành

Tháng 08/2024

“Nghiên Bút Còn Thơm”




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét