Thứ Tư, 21 tháng 8, 2024

THƯ PHÁP QUỐC NGỮ- BỘ MÔN NGHỆ THUẬT CÓ TÍNH HÀN LÂM HAY CHỈ LÀ MỘT SẢN PHẨM TRANG TRÍ MANG YẾU TỐ THƯƠNG MẠI?

            Ở bất kì một lĩnh vực nghệ thuật nào, một môi trường hoạt động chuyên môn nào cũng sẽ tồn tại song song ít nhất hai hướng phát triển: phát triển về mặt chuyên môn hàn lâm và phát triển về thị trường, thị hiếu đại chúng!

Thư pháp chữ Quốc ngữ cũng vậy!

Tuy thời gian hình thành và phát triển của thư pháp Quốc Ngữ còn non trẻ, nhưng phong trào và hoạt động của cộng đồng những người yêu bộ môn này thì vẫn lớn mạnh và bùng nổ từng ngày!

Ngày trước, số người biết viết thư pháp thì ít! Nhưng ngày nay việc phát triển của công nghệ số, mạng xã hội, công nghệ 4.0, 5.0 phát triển thì việc tiếp cận và học tập, rèn luyện thư pháp cũng trở nên dễ dàng hơn! Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc sản sinh ra hàng loạt những tay bút "mì ăn liền", những người chưa có một sự đầu tư nghiêm túc cho bộ môn về mảng nghiên cứu, mà chỉ chạy đua theo phong trào và phục vụ cho những mưu cầu cá nhân tức thời.

Sẽ không đề cập đến những mục đích học tập thư pháp khác nhau, vì có người học chỉ để biết viết, học chỉ để có thêm một thú chơi tao nhã,... nhưng sẽ phải để tâm, chú ý hơn về chất lượng đào tạo, hướng dẫn và định hướng cho các lớp thư pháp Quốc Ngữ, để sớm được nhìn nhận chính thức về mặt chuyên môn và có cơ sở nền tảng chính quy hơn trong tương lai.

Phát triển về mặt chuyên môn thì người viết phải xây dựng được cho bản thân một tâm thế vững vàng về mặt lý thuyết, hiểu được giá trị của nghệ thuật thư pháp là gì? Pháp trong nghệ thuật viết thư pháp là vận dụng tất cả công năng của ngọn bút lông, hiểu được tính chất của từng loại giấy, mực khác nhau, để tạo ra những tác phẩm mang tính thẩm mỹ cao và có nét riêng biệt của chữ viết tay cá nhân! Bên cạnh đó, quan trọng hơn cả là tư duy sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ, mang cá tính riêng, độc bản hoặc chí ít là có sự độc lập về tư duy sáng tác!

Học thư pháp và luyện tập thực hành thư pháp, theo tôi, người học sẽ phải trải qua những giai đoạn sau:

-Khai: Là khoảng thời gian mới tiếp cận bộ môn, có sự tiếp nhận kiến thức cơ bản và luyện tập theo từng cấp độ từ nhập môn đến nâng cao.

-Tìm: Là giai đoạn tiến tới sự tìm tòi và nâng cao tầm hiểu biết cũng như tầm nhìn về mọi mặt dựa trên góc độ khoa học, văn hóa và mỹ thuật của nghệ thuật thư pháp Thế giới nói chung và thư pháp Quốc Ngữ nói riêng.

-Nghi: Giai đoạn này, buộc người học thư pháp phải tự đặt ra những câu hỏi cho tất cả các vấn đề cốt lõi lẫn các vấn đề ngoại cảnh khác về nhiều khía cạnh của nghệ thuật viết chữ,  sau đó đi tìm câu trả lời cho chính mình bằng nhiều hình thức nghiên cứu cá nhân.

-Triển: Là giai đoạn thực hành mở rộng,  phát huy hết khả năng hiểu biết về lý thuyết lẫn thực hành thông qua việc sáng tác tác phẩm, viết bài nghiên cứu, tổ chức và tham gia tọa đàm hội, nhóm,…

-Phá: Ở giai đoạn này, đòi hỏi người học thư pháp phải có một bề dày thời gian tiếp xúc, gắn bó với thư pháp đủ lâu, nắm được những kiến thức cơ bản bắt buộc, để khai phá những hướng đi mới, phá đi những lối mòn có xu hướng dậm chân tại chỗ,  để sáng tạo hơn trong đường nét,  bút pháp,  bố cục,  ý tưởng và chất liệu...v...v đây là giai đoạn quan trọng, quyết định đến thời gian tồn tại của một người nghệ sỹ. Tất nhiên, nó sẽ được thực hiện một cách có bài bản và hiệu quả nếu người viết đã hoàn thiện 4 giai đoạn trên.

-Vấn: Viết lại, tổng kết lại được hệ thống kiến thức chung và riêng cho chính mình và cộng đồng. Đây cũng được xem như giai đoạn của sự cống hiến, công việc chia sẻ kiến thức , đúc kết và hình thành kiến thức dựa trên nền tảng đã được học và tìm hiểu.

Ngoài ra, trau dồi thật nhiều về kỹ năng đời sống và kiến thức học vấn để vận dụng đưa vào việc khai thác ý tưởng, xây dựng nội hàm, truyền tải nội dung cho tác phẩm, góp phần xây dựng tích cực cho việc giáo dục thông qua nghệ thuật viết chữ.

Ngày nay, khi đã đi được một hành trình tương đối chông gai, thư pháp Quốc Ngữ may mắn được sinh ra trong giai đoạn xã hội tiến bộ về công nghệ thông tin, các hình thức học tập, giao lưu tương tác hiện đại, cùng với đó là sự hỗ trợ từ các cơ quan chuyên chính về văn hóa, văn nghệ, của báo chí truyền thông giúp cho thư pháp Quốc Ngữ có những sân chơi chuyên nghiệp như triển lãm, hội thảo,… mang đầy đủ yếu tố hàn lâm, đồng thời tiếp cận được đông đảo công chúng yêu thích nghệ thuật chữ viết, nâng tầm thư pháp Quốc Ngữ và định hướng cho bộ môn này đi đúng con đường mà tiền nhân kì vọng, hậu bối mong muốn.

Còn phát triển về mặt thị hiếu mang tính đại chúng, tính thương mại cũng giống như việc: "làm dâu trăm họ", phục vụ cho đại đa số khách hàng có nhu cầu sử dụng tác phẩm, sản phẩm thư pháp với nhiều mục đích khách nhau, nhưng tụ chung được xem như trao đổi sản phẩm thương mại! Lúc này, đối tượng tiếp cận với bộ môn cũng giảm đi về mặt chuyên môn, thay vào đó là mặt bằng chung về một sản phẩm thủ công mỹ nghệ có tính thị trường.

Song! Phát triển về mảng nào cũng đều cần thiết, quan trọng là sự học tập và phát triển đó phải xuất phát từ cái tâm trong sáng và sự thực hành nghiêm túc với nghề. Cân bằng được giữa việc "chơi" chữ và "bán" chữ mới là một nghệ thuật.

Ấy cho nên, mới thấy việc học tập và rèn luyện thư pháp Quốc Ngữ cũng lắm công phu, mới thấy những người nghệ sĩ chân chính cũng say sưa mỗi ngày, tự mình nâng cao kiến thức, khả năng và tâm trí cho nghệ thuật thư pháp Quốc Ngữ, hướng đến chân thiện mỹ, khi tác phẩm được đưa ra trình làng,  công chúng sẽ đón nhận bằng tất cả tấm chân tình, thưởng lãm có chọn lọc và hiểu biết. Đồng thời, thư pháp Quốc Ngữ cũng tiến đến việc xây dựng một thị trường trao đổi, buôn bán tác phẩm, sản phẩm chuyên nghiệp và nhuận bút sẽ được trả xứng đáng cho thành quả lao động chất xám nghiêm túc của những người nghệ sĩ yêu và sống chết hết mình cho nền văn hóa nghệ thuật nước nhà.

(Trích Bài tham luận về thực trạng thư pháp chữ Quốc Ngữ trong bối cảnh hiện nay)

Xuân Thành 08/2024



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét