Thứ Tư, 21 tháng 8, 2024

NHÌN NHẬN SỰ KẾ THỪA CỦA THƯ PHÁP QUỐC NGỮ DỰA TRÊN NỀN TẢNG CỦA NGHỆ THUẬT THƯ PHÁP TRUYỀN THỐNG

Thư pháp Quốc Ngữ trước hết phải được xây dựng trên nền tảng của thư pháp chữ Hán nhưng không nhất thiết phải phát triển theo con đường của thư pháp chữ Hán trong tương lai!

Tại sao nói thư pháp Quốc Ngữ trước hết phải được xây dựng trên nền tảng của thư pháp Hán?  

Theo một số nguồn thông tin hiện hành, thư pháp Quốc Ngữ, nguồn gốc bắt nguồn từ việc nhà thơ Đông Hồ (ông Lâm Tấn Phác) dùng bút lông Trung Hoa để viết các bài thơ của ông bằng hệ chữ latinh (abc) sau khi ông nhận thấy sự thay đổi và lụi tàn của một nền văn hóa chữ Hán-Nôm, khiến cho chữ Hán Nôm dần đi vào quên lãng và khó tiếp cận với thế hệ sau. Vì vậy, sáng kiến dùng bút lông để thể hiện chữ quốc ngữ suy cho cùng cũng là sự tự phát dựa trên cơ sở thư pháp Hán Nôm mà ông cùng các vị tiền bối đương thời đã thực hành. Thế nên, chưa có một cơ sở lý luận hay lý thuyết nào chính xác về các phép hay các pháp thực hành của chữ latinh trên công cụ là cây bút long và mực nho. Vì lẽ đó, không thể nói thư pháp Quốc Ngữ là một bộ môn nghệ thuật chữ viết độc lập tự sinh ra nếu như không có nền móng và hệ thống thư pháp chữ Hán- Nôm đi trước và tồn tại trước đó một thời gian dài.

Về cơ bản, cách viết chữ tượng thanh của người Việt Nam khi dung hệ thống ký tự latinh cũng không khác gì mấy so với hệ chữ có yếu tố tượng hình như chữ Hán. Các kỹ năng về mặt hình thức và sử dụng bút lông để thực hành thệ thống chữ cơ bản của thư pháp Hán như Triện, Lệ, Khải, Hành, Thảo cũng có thể được áp dụng cho việc nghiên cứu cách vận bút vào chữ latinh để viết nếu người chơi chữ có sự hiểu biết và có thời gian học tập, tìm hiểu về thư pháp Hán.

Ngoài ra, các yếu tố như chương pháp (bố cục) hay các cách sử dụng bút lông, dấu triện,v..v..của thư pháp Hán cũng phần nào là yếu tố quan trọng trong việc hình thành và hoàn thiện một tác phẩm thư pháp quốc ngữ. Không thể tránh khỏi vì những yếu tố trên là yếu tố then chốt quyết định đến độ thẩm mỹ và giá trị của tác phẩm nghệ thuật viết chữ của người phương Đông nói chung và người theo văn hóa Á Đông nói riêng.

Đó là lý do mà thư pháp quốc ngữ phải được xây dựng dựa trên nền tảng cơ bản của thư pháp Hán mà không thể tự sinh, đồng thời đó cũng được xem như là tinh thần học hỏi, có giá trị kế thừa sâu sắc, hợp lý và chọn lọc.

Tuy vậy, Thư pháp Quốc Ngữ không nhất thiết phải phát triển theo con đường của thư pháp Hán trong tương lai!

Đừng tự kìm kẹp mình trong những quy tắc bắt  buộc không cần thiết của thư pháp Hán khi mà chữ latinh phần nào đã thoát ra khỏi những quy tắc đó để trở thành một hệ thống chữ viết riêng. Đối với văn hóa chữ viết phương Tây, cũng tồn tại song song dòng chảy mang tên Calligraphy (nghệ thuật viết chữ đẹp) với đầy đủ yếu tố sáng tạo, thẩm mỹ và logic dựa trên hệ thống chữ viết latinh. Thư pháp Quốc Ngữ hiện nay tương đối có khả năng và tiềm năng tích hợp cả cái gốc của thư pháp Hán và sự linh hoạt của thư pháp Phương Tây. Vì thế, hãy chọn một hướng đi mới, có sự giao thoa hơn thay vì giữ khuôn khổ cứng nhắc của một nền thư pháp vốn đã đi vào lịch sử văn hóa nghệ thuật của nhân loại.

Lột xác để làm mới mình trên tinh thần học hỏi và tham khảo những tinh túy của thư pháp chữ Hán truyền thống, chọn lọc những yếu tố chưa cần thiết hoặc không thật sự cần thiết, hoặc không phù hợp của chữ Hán đối với chữ Việt, để thư pháp Quốc Ngữ có nhiều cơ hội phát triển xa hơn trên con đường tiến tới trở thành một bộ môn nghệ thuật chữ viết hợp thức hóa của nhân loại.

(Trích Bài tham luận về thực trạng thư pháp chữ Quốc Ngữ trong bối cảnh hiện nay)

Xuân Thành 08/2024




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét