Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

Dương Minh Hoàng - "Ông đồ trẻ" giữa Sài Thành


Mỗi khi nhắc đến thư pháp, người ta lại nghĩ đến bài thơ "Ông đồ" của Vũ Đình Liên, thư pháp như một sự hoài cổ về quá khứ. Những người đến với thư pháp trong suy nghĩ của nhiều người cũng là những người hoài cổ với một cuộc sống tĩnh lặng, hướng về quá khứ.
Thế nhưng với Dương Minh Hoàng thì đó là một thế giới khác, một thế giới trẻ trung sôi động của một người trẻ đầy nhiệt huyết và đam mê nghệ thuật thư pháp.
- Niềm đam mê thư pháp đến với bạn từ khi nào?
- Cách đây hơn 10 năm, trong một lần cùng những thầy cô tại trường đi xem triển lãm những dòng tranh của các họa sĩ nước ngoài, tôi rất thích thú với một số dòng tranh chữ của Tây Phương. Thay vì vẽ tranh phong cảnh, vẽ chân dung người thì những bức tranh này dùng những con chữ thành một bức tranh. Từ đó tôi tập viết theo bản năng và niềm đam mê hội họa vốn có trong con người.
Ban đầu thì cũng không có bút lông để viết mà phải viết bằng loại bút vẽ tranh. Sau hơn hai năm tôi tìm đến các câu lạc bộ, các nhóm triển lãm tranh thư pháp nhưng số lượng câu lạc bộ như thế này rất ít. Tôi tìm đến các ngôi chùa vì lúc bấy giờ, thư pháp chủ yếu được viết và treo trong các chùa chứ không như bây giờ thư pháp có thể dễ dàng tìm học, ở các hội chợ, phố ông đồ…
Trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, tập luyện dần dần trở thành niềm đam mê, ý thức ăn sâu trong con người tôi đến nay.
- Không chỉ viết thư pháp mà bạn còn đứng lớp giảng dạy về thư pháp Việt. Là một người trẻ, khi đứng lớp dạy trước bao người, có cả những người lớn hơn bạn rất nhiều về tuổi đời và kinh nghiệm sống, làm sao bạn thuyết phục họ tin vào những gì bạn chia sẻ?
- Khi nhìn vào các vị lớn tuổi, người ta sẽ tin tưởng vì sự già dặn về tri thức, tuổi đời và kinh nghiệm sống. Khi nhìn vào những người trẻ làm thư pháp như tôi, người ta sẽ ngờ vực về vấn đề tuổi tác so với những kiến thức mà tôi truyền đạt. Người ta có thể khẳng định một điều là bạn trẻ viết thư pháp nhưng liệu những kiến thức đó bạn trẻ có hiểu không? Đó là một suy nghĩ đúng.
Riêng tôi, tôi chia sẻ dựa theo những quan niệm và kinh nghiệm ông bà ta để lại. Lời nói của tôi được trau chuốt hơn, gọt giũa hơn dựa theo những tư duy của người xưa và đó là giọng văn mà tôi có thể chia sẻ. Chấp nhận hay không chấp là những quyết định của những người nghe.
Khi chia sẻ về thư pháp, tôi chỉ định hướng thư pháp là một loại hình viết chữ và tư duy cho mọi người để phát triển và tìm hiểu nó như thế nào, tôi không bao giờ ép buộc học viên phải theo chiều hướng, theo những quan niệm của tôi. Tôi là người khơi gợi, còn hướng phát triển sẽ do mỗi người tự chọn theo hướng mà họ tư duy.
- Ngày nay, giới trẻ có quá nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, việc thu hút giới trẻ đến với nghệ thuật thư pháp là một khó khăn, bạn làm cách nào để khơi dậy niềm đam mê thư pháp trong giới trẻ?
- Đó là sự tò mò! Các bạn trẻ đến với thư pháp đều bắt đầu bằng sự tò mò, sau đó là sự tự hào về văn hóa dân tộc. Nếu như tôi chỉ đơn thuần giới thiệu đây là loại hình nghệ thuật thư pháp thì nó sẽ trở nên rất đỗi bình thường. Khi tôi giới thiệu đây là loại hình thư pháp Việt, chữ Việt, con người Việt, tâm hồn Việt thì tự dưng nó sẽ trở thành một điều để các bạn chú ý, các bạn sẽ tự hỏi ngay thư pháp Việt khác thư pháp các nước Trung Hoa, Nhật Bản thế nào?
Tìm hiểu thư pháp Việt vô hình dung lại khơi dậy lòng tự hào văn hóa dân tộc của các bạn trẻ. Có sự tò mò, sự tự hào thì các bạn mới đến tìm hiểu và chia sẻ thư pháp Việt.
- Khi có quá nhiều những tác phẩm thư pháp thì đâu là sự khác biệt giữa thư pháp Minh Hoàng và tác phẩm của những những người làm thư pháp khác?
- Tôi là một nhà thư pháp trẻ, chia sẻ của tôi mang tính chất định hướng tư duy cho người khác về thư pháp. Các tác phẩm của tôi luôn thể hiện được chất Việt trong đó. Các nhà thư pháp khác thể hiện bằng những tư duy khác hơn, dùng thư pháp để thể hiện tính thiền trong Phật giáo, dùng thư pháp để thể hiện nho giáo như đạo lý, cuộc đời mà các tác phẩm bạn vẫn thường thấy như các chữ Tâm, chữ Nhẫn, chữ Đạo. Còn có người chỉ đơn thuần thể hiện bút lực và khả năng của họ chứ tác phẩm không mang một ý nghĩa nào. Tôi luôn làm một tác phẩm thư pháp có ý nghĩa và khiến người ta tư duy về ý nghĩa của nó nhiều hơn.
Tất cả các loại hình nghệ thuật đều có hai mục đích hướng tới. Một tác phẩm mang tính nghệ thuật để mọi người thưởng thức và loại sản phẩm cung ứng cho thị hiếu của thị trường, mang tình chất ứng dụng, mỹ nghệ nhiều hơn. Tôi xác định những sáng tác của mình thuần là những sáng tác thiên về thưởng thức nhiều hơn, đi dần đến xu hướng nghệ thuật hơn là xu hướng tiêu dùng.
Thư pháp của tôi luôn phá cách và ứng dụng được những điều căn bản của những loại hình nghệ thuật khác như mỹ thuật, hội họa, điêu khác. Vì vậy tác phẩm của tôi mang tính giao thoa nhiều hơn.

- Nhưng thực chất bạn vẫn đang kinh doanh niềm đam mê của mình?
- Việc cung ứng cho thị trường, cho xã hội tất nhiên cũng phải cần để tôi có thể tồn tại và duy trì niềm đam mê của tôi. Tôi có nhiều cách để tạo ra nguồn thu nhập trong cuộc sống: cung ứng các sản phẩm làm quà lưu niệm cho các nhà sách, vẽ tranh, viết thư pháp gửi các phòng tranh, tổ chức các chương trình sự kiện. Những người làm kiến trúc, nội thất cũng hay nhờ tôi thiết kế.
Bên cạnh đó tôi có một nguồn thu nhập mặc dù không nhiều nhưng cũng đáng kể là mở lớp dạy, chia sẻ kiến thức với những người cùng đam mê.
Nhưng việc cung ứng và vẫn giữ được phong cách, nét đặc trưng của riêng mình là hai chuyện khác nhau. Nhưng hơn hết xu hướng nghệ thuật luôn được tôi chú trọng và tập trung nhiều.
- Về cuộc sống của bạn , một nhà thư pháp trẻ, có phải đó là hình ảnh một ông đồ với chiếc áo dài khăn đống, bút lông, với những quyển sách ca dao, tục ngữ, thơ văn xưa…?
- (Cười lớn) Xuất phát điểm của tôi là một người trẻ nên thú vui giải trí cũng giống như những bạn trẻ khác, nghe nhạc, xem phim, tán gẫu cùng bạn bè… Tôi không tự lập cho mình một cuộc sống lập dị. Càng hòa nhập vào cuộc sống, càng gặp gỡ mọi người tôi càng có thêm kinh nghiệm sống, có thêm nguồn cảm hứng và tư duy sống càng phát triển, học hỏi nhiều hơn, rèn luyện và nâng cao chất lượng nghệ thuật cho các tác phẩm của mình. Những tác phẩm của tôi cũng gần gũi và có thể hòa nhập vào cuộc sống.
Tôi thích đi cà phê, gặp gỡ bạn bè ở những quán trà hay đến nhà các bạn. Nhiều người vẫn cho rằng người trẻ theo nghệ thuật thư pháp sẽ sống lập dị, già trước tuổi,…nhưng thật sự thư pháp có thể làm cho người ta già trước tuổi, cũng có thể làm cho người ta trẻ hóa đi, năng động.
Nếu người nào luôn luôn có sự tìm tòi, sáng tạo người đó sẽ trẻ hơn. Rất nhiều bạn trẻ trước khi đến với thư pháp, tính các bạn rất trầm, nhưng khi tham gia với thư pháp rồi các bạn sôi động hẳn lên. Các bạn có cơ hội hòa nhập vào một cộng đồng, các bạn cảm thấy chia sẻ được với cộng đồng đó, tự dưng các bạn cảm thấy gần gũi và trở nên sôi động.
Đừng nghĩ rằng thư pháp rất tĩnh lặng, rất trầm, mọi người hãy đến với thư pháp đi, mọi người sẽ thấy được sự sôi động của con chữ và sự sáng tạo không ngừng của môn nghệ thuật này.
- Với hơn 10 năm theo đuổi niềm đam mê của mình, bạn thấy mình đã làm được những gì cho thư pháp Việt?
- Tôi nghĩ mình đã góp phần cho thư pháp Việt một vài yếu tố. Tôi đã mở gần 100 lớp về nghệ thuật thư pháp ngắn có, dài có, có lớp ngắn nhất chỉ một buổi, có lớp đến nửa năm. Tham gia trên 50 cuộc triển lãm lớn nhỏ.
Thời gian vừa qua tôi đã cùng bảy người bạn thực hiện một cuốn sách thư pháp khổng lồ về 100 lời nói tiêu biểu của chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước.
Trong tương lai tôi đang ấp ủ xuất bản hai quyển sách: căn bản lý thuyết và thực hành về thư pháp chữ Việt, một quyển giới thiệu các tác phẩm chính tôi. Đến bây giờ, tôi còn viết thư pháp là một thành quả lớn.
- Bạn có mong muốn một điều gì cho bạn nói riêng và những người làm thư pháp nói chung?
- Hiện tại, tôi cùng những người làm thư pháp có một mong muốn là có một cơ quan có thẩm quyền có thể bảo trợ cho nghệ thuật thư pháp. Với các loại hình nghệ thuật khác như văn thơ thì có hội nhà văn, hội nhà thơ, vẽ thì có hội mỹ thuật, phim ảnh thì có điện ảnh… Nếu có hội thư pháp bảo trợ, những người viết thư pháp có thể yên tâm đóng góp cho nghệ thuật thư pháp, phát triển nghệ thuật thư pháp Việt.

Sáng Mãi Tên Người


Như mọi người đều biết , Nhóm tác giả : Hiếu Tín , Hoa Nghiêm , Mỹ Lý , Lê Hải , Minh Hoàng , Nguyễn Hoà , Tâm Tú và Hoàng Việt đã cho xuất bản quyển sách Thư pháp độc bản " Sáng mãi tên Người " - NXB Tổng Hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Xin chia sẻ đến quý độc giả những bút pháp tiêu biểu...


Bây giờ chúng ta sẽ xem qua vài trang sách đẹp nhứt với 8 bút pháp tiêu biểu nhất!


Biên tập : Hiếu Tín , Thiết kế bìa : Hoa Nghiêm - Nguyễn Hoà







Thư pháp Hoa Nghiêm






Thư pháp Hiếu Tín






Thư pháp Mỹ Lý






Thư pháp Lê Hải






Thư pháp Tâm Tú






Thư pháp Nguyễn Hoà






Thư pháp Minh Hoàng






Thư pháp Hoàng Việt

Kỷ lục gia Trịnh Tuấn và Cuốn thư pháp khổng lồ



Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu đó là một cuốn sách bình thường. Nhưng thật khâm phục khi biết rằng, đó là một cuốn thư pháp bằng gỗ, tập hợp 3 bản tuyên ngôn độc lập của Việt Nam: Nam quốc sơn hà (Lý Thường Kiệt); Bình ngô đại cáo (Nguyễn Trãi) và Tuyên ngôn độc lập (Hồ Chí Minh). Tác giả của cuốn sách có một không hai này còn rất trẻ - nhà thư pháp Trịnh Tuấn.
Chân dung “kỷ lục gia”

Tại triển lãm “60 năm đền ơn đáp nghĩa” tổ chức nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sỹ T (27/7) năm nay, gian trưng bày cuốn sách thu hút khá đông người xem. Mới 26 tuổi nhưng trò chuyện với Tuấn, bất cứ ai cũng ngạc nhiên vì lối suy nghĩ hoài cổ của anh. “Thế hệ trẻ giờ đây có nhiều điều kiện để học hỏi, nhưng điều quan trọng nhất là “phú quý lấy bần làm gốc”, nghĩa là không được phép quên quá khứ, ông cha ta đã phải hy sinh xương máu để chúng ta có được ngày hôm nay” – Tuấn tâm sự.

Sinh ra trong một làng quê nghèo ở Thanh Hoá, Trịnh Tuấn “say” mùi mực tàu, màu giấy đỏ, bút lông từ bài thơ Ông đồ (nhà thơ Vũ Đình Liên) khi tóc còn để chỏm. 7 tuổi, Tuấn đã tự động cắp cặp theo thầy giáo học chữ Hán. Thuở ấy, cái ăn còn chưa có nói chi đến chuyện có bút vẽ. Anh đã đập giập đầu tre làm bút, mài gạch non làm mực trong 10 năm trời, cần mẫn tập viết thư pháp cổ. Tốt nghiệp Khoa Văn (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội), Tuấn vào Nam lập nghiệp. Nhưng có lẽ, “nghiệp” thư pháp đã “ăn vào máu” nên dù trải qua nhiều nghề, anh vẫn không bỏ được cái thú mài mực, luyện chữ. Năm 2006, anh làm “chấn động” dư luận với cuốn thư pháp Truyện Kiều. Trọn vẹn 3.254 câu Kiều được anh thể hiện trên 3 khổ giấy, dài 300m, rộng 0, 84m. Cuốn Truyện Kiều “độc nhất vô nhị” ấy như một lời khâm phục của anh đối với đại thi hào Nguyễn Du. Mặc dù là giám đốc của một công ty truyền thông nhưng niềm đam mê thư pháp vẫn không ngừng thôi thúc Tuấn nỗ lực với mong muốn “góp một nét mực vào nền thi pháp Việt Nam”. 



Trịnh Tuấn bên tác phẩm thư pháp

Và lòng tri ân

“Kỷ lục gia”, “ông đồ thời @”... là những từ mà người ngưỡng mộ tài năng của Tuấn dành cho anh khi xem cuốn thư pháp bằng gỗ. Nhưng Tuấn khiêm tốn: “Tôi không đặt cái danh trên mỗi tác phẩm. Điều tôi muốn làm chỉ là sự tri ân đối với thế hệ cha ông đi trước”. Vậy là, chỉ trong vòng 21 ngày, cuốn sách được hoàn thành trước sự thán phục của bạn bè. Cuốn thư pháp tập hợp 3 tác phẩm Tuyên ngôn độc lập ra đời vào 3 thời điểm khác nhau: Bài thơ Thần (Nam quốc sơn hà) của Lý Thường Kiệt (đầu thế kỷ XI); Bình ngô đại cáo của Nguyễn Trãi (thế kỷ XV), Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 1945), khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Toàn bộ cuốn sách được làm bằng gỗ vàng rè, một loại gỗ quý. Bìa 1 và 4 được chạm khắc tinh xảo. Hoa văn của gỗ đã góp phần tôn vinh đường nét của thư pháp. Nội dung 3 bản tuyên ngôn được thể hiện trên giấy xuyến cỡ lớn, bồi trên formech có độ dày khoảng 5mm. Nền cho các tác phẩm cũng được thiết kế, trình bày công phu với hoa văn của con rồng thời Lý, thời Lê và hoa sen. Dự định của Tuấn là, sau triển lãm ở Hà Nội trong kỷ niệm Quốc khánh 2/9, tác phẩm sẽ được triển lãm tại TP. Hồ Chí Minh, sau đó, anh tặng lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Anh Farnhamner, người Đức trầm trồ: “Cuốn sách kỷ lục tập hợp 3 bản Tuyên ngôn độc lập này chứa đựng kiến thức quan trọng giúp lớp trẻ hiểu thêm về lịch sử nước nhà. Đây là lần đầu tiên tôi biết đến một cuốn sách khổng lồ như thế và vô cùng xúc động trước tấm lòng của một bạn trẻ”.

Bằng lòng say mê, tâm huyết với loại hình nghệ thuật cổ, Trịnh Tuấn đã chứng tỏ rằng, lớp trẻ ngày nay không hề quên quá khứ oai hùng của dân tộc. Nhà sử học Dương Trung Quốc, khi xem tác phẩm của anh đã nhận xét: “Một ý tưởng độc đáo, lao động kiên trì, tấm lòng trong sáng đối với các bậc tiền nhân và di sản đã tạo nên phong cách thư pháp của Trịnh Tuấn”.

Chàng “lập dị” và giấc mơ ông đồ


TTCT - Định cư tại Mỹ gần chục năm nhưng mỗi lần về nước, Vũ Đăng Học lại mang theo trong vali lỉnh kỉnh bút vẽ, áo dài khăn đóng, giấy trắng... chứ không phải là iPod, O2, laptop Apple sành điệu như bao người trẻ khác.


Vũ Đăng Học bên quyển thơ thư pháp của mình

“Lập dị”

Chính người nhà Học cũng không khỏi hoài nghi và lo lắng bởi ngoài những buổi tới Trường Mission (bang California), hầu hết thời gian còn lại Học đều chui vào căn phòng ngập tràn giấy và nghiên mực, chăm chút ngồi tô từng nét chữ chứ không đam mê Facebook, game, tham gia câu lạc bộ như chúng bạn.

Sở dĩ có sự trái khoáy đó vì Học đã trót đam mê nghệ thuật thư pháp. Năm 1999, Học được giáo viên chủ nhiệm tặng cuốn sách họa. Thuở ấy chỉ biết vẽ đôi ba nét chập chững nhưng cậu đã bị hút hồn vào cuốn sách thư pháp. Không tìm được nơi học bài bản, Học tự mày mò trên mạng để theo đuổi sở thích này.

Đường đi cũng lắm chông gai. Học phải giấu gia đình chuyện mình “cả gan” xách tranh thư pháp ra công viên bán “chui” (để thăm dò dư luận) dẫu gia đình khá giả, rồi chịu đựng... muỗi chích tại công viên Tao Đàn vào buổi tối (do cả ngày cậu bị bảo vệ và công an đuổi) và sự chọc ghẹo của nhiều người...

Mối duyên với thư pháp vừa chớm thì Học phải cùng gia đình qua Mỹ định cư. Ở VN không dễ theo đuổi môn thư pháp thì qua Mỹ càng khó.

“Nhiều người cho rằng tôi... chập mạch khi qua Mỹ mà vẫn quyết theo đuổi nghiệp làm ông đồ. Nhưng tôi chỉ có mong ước trở thành ông đồ ngồi cho chữ mọi người. Hình ảnh đó với tôi là đẹp nhất” - Học mơ màng.

Thành công

Phát hiện tài liệu về thư pháp ở VN còn quá khan hiếm, Học quyết định táo bạo: viết sách! Kết quả của sự liều lĩnh ấy là hai cuốn sách Hồn chữ Việt và Thư pháp Việt ra đời năm 2006 (NXB Văn Nghệ TP.HCM).

Thành công vượt mong đợi, cả hai cuốn đều được tái bản nhiều lần. Sau đó, Học được cả đài truyền hình Mỹ lẫn VN mời phỏng vấn và đặt cho biệt danh là “Chàng trai vàng của thư pháp Việt”... Học cũng được nhiều giáo sư, giảng viên lịch sử mời đến giao lưu, trò chuyện với sinh viên.

Thừa thắng xông lên, Học tiếp tục cho ra quyển thư pháp Việt bằng tiếng Anh W.E.Calligraphy, giới thiệu nghệ thuật thư pháp cho người Mỹ. Sự công phu của quyển sách đã khiến giáo sư Noel Harold Kaylor (ĐH Troy, Hoa Kỳ) phải thốt lên: “Một tác phẩm tuyệt vời!” và đồng ý chấp bút cho phần chỉnh sửa tiếng Anh.

“Tốn cả ngàn USD bay từ Mỹ về VN để quảng bá sách, sau đó lĩnh vài triệu đồng bản quyền là chuyện thường. Nhưng tôi đến với thư pháp Việt vì tình yêu thật sự, vì muốn chứng minh giới trẻ không hề quay lưng với nghệ thuật của cha ông nên có tốn bao nhiêu cũng mặc” - Học bộc bạch.

Chính vì sự say mê đó mà chàng trai 27 tuổi này được giáo sư Trần Văn Khê tặng những câu thơ đầy trìu mến: “Với cái nhìn Đăng Học, ta thấy rõ đạo đời. Tinh hoa con chắt lọc, tạo nét đẹp hiến đời. Con tạo nên kỷ lục, khó phá lắm con ơi...”. 

Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

Tìm hiểu tranh phong thủy


Tranh Phong Thủy là gì?
Tranh Phong Thủy là một loại tranh được thiết kế đặc biệt cho ngành Phong Thủy. Bởi vì ngoài tác dụng trang trí, nó còn có tác dụng điều hòa ánh sánh, tốc độ đối lưu không khí cũng như bức xạ, mang đến sinh khí, mang lại tài lộc, sức khỏe, thịnh vượng cho căn nhà, đồng thời trấn tà khí, xua đuổi những điềm dữ, điềm hung. 





Tranh phong thủy sáng tác dựa trên 2 nguyên tắc khoa học sau :

1- Một vật liệu cho ta sắc đỏ là do cấu trúc hóa học ( structure) , độ phân cực ( polarisation) , các liên kết hóa học với nhau hay với dung môi mà phát xạ (radiation) , phản xạ ( reflection) hay khúc xạ (refraction) ra tia đỏ có bước sóng 600 - 700 nanometre. Tia này sẽ tương tác đến tính chất vật lý ( chuyển động các hạt vật chất ( Brown) , nhiệt độ , độ ẩm, sóng năng lượng ( bao gồm ánh sáng) ,... ) hay tính chất hóa học ( thông qua việt tương tác electron và năng lượng của các phản ứng hóa học ) của môi trường treo tranh. Tương tự như vậy đối với các tia trong quang phổ khả kiến (đỏ, cam vàng lục, lam chàm , tím 700 - 400nm) , hay tử ngoai ( <400nm), hồng ngoại (>700nm) và cả các tia ko thấy được ( màu đen từ than có khả năng giảm tử ngoại và X)

2- Chính chiều hướng và tốc độ nét cọ ( stroke) quyết định mật độ và phản ứng của dung môi , vật liệu mực, và vật liệu bề mặt ( giấy, toan, lụa,.. và qui trình xử lý kỷ thuật vẽ sẽ quyết định mật độ quang, cường độ , biên độ phát xạ tia màu.

Với 2 yếu tố đó, tranh phong thủy sẽ tương tác có hệ thống đến môi trường xung quanh, hoặc làm tỉnh lặng hoặc làm sinh động, hoặc an toàn hoặc rối loạn .

Sở hữu một bức tranh Phong Thủy trong nhà, chủ nhà vừa cảm thấy an tâm , trầm tỉnh lại có thêm một tác phẩm nghệ thuật giúp ngôi nhà trở nên quyến rũ và hấp dẫn hơn.




Đề tài tranh phong thủy có những nguyên tắc được quy định khá chặt chẽ theo "luật" Ngũ hành” của phong thủy. Lẽ dĩ nhiên, nghệ thuật tranh phong thủy không khác tranh mỹ thuật truyền thống về chất liệu ( tự nhiên) lẫn hình tượng, nhưng nghệ thuật thể hiện tranh phong thủy gần với nghệ thuật truyền thống, đôi khi còn có những ước lệ đến siêu thực và cả sự lãng mạn bay bổng đến kỳ ảo, nhưng tất cả đều toát lên những cảm xúc lắng đọng, đầy lạc quan trong mỹ cảm tâm linh.

Tranh phong thủy cùng màu sắc, chất liệu là một công cụ đầy quyền lực, hình thành một quan niệm nhân sinh tự nhiên. Do đó tranh phong thủy với những tư duy lạc quan, là một phần tạo nên sự hoàn thiện cho môi trường sống. Người chơi phải thấu đạt triết luận Ngũ hành và có cách lựa chọn hình tượng và màu sắc phù hợp với "mệnh" của mình. Tranh phong thủy vừa thiết thực, vừa kỳ thú là bởi vậy…

Để chọn 1 bức tranh phong thủy, cần theo các tiêu chí sau:

1- Tranh cho ai ?
2- Trạng thái hiện tại về tâm lý và sức khỏe ?
3- Nghề nghiệp ?
4- Mong ước gì ?
5- Treo ở đâu?





Tranh Phong Thủy trước đây ít hoặc chưa từng xuất hiện ở Việt Nam, nhưng ở Trung Hoa, cái nôi của nghệ thuật Phong Thủy thì đã rất thịnh hành. Là một công ty về Nội thất, Mỹ thuật và Phong thủy, chúng tôi mong muốn được góp phần nhỏ bé vào việc giới thiệu loại hình nghệ thuật mới này ở Việt Nam. Quan điểm thẩm mỹ của chúng tôi về loại tranh này là không chỉ đẹp, hợp Phong Thủy mà còn cần phải Hiện Đại để phù hợp với xu hướng Nội Thất mới hiện nay.

Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

DỤNG CỤ THƯ PHÁP


Ngoài giấy viết, bút lông là công cụ viết chữ quan trọng nhất. Theo khảo chứng vào thời kỳ An Thương, hơn 3.000 năm trước, trong chữ giáp cốt đã xuất hiện chữ bút sớm nhất, hình dáng sinh động của nó đã tái hiện cảnh tay phải người cổ đại cầm bút viết chữ.
Ngoài giấy viết, bút lông là công cụ viết chữ quan trọng nhất
Sự ra đời của bút lông đã định hình nền tảng vật chất chữ Hán, từ viết chữ biến đơn thuần đã hình thành một nghệ thuật viết chữ. Người xưa cho rằng, chỉ có bút lông mềm mới sáng tạo được kỳ tích.
Đối tượng thẩm mỹ trung tâm nhất của thư pháp chính là đường nét. Bút lông mềm mại đã tạo ra đường nét thư pháp biến đổi không ngừng. Một số từ vựng riêng liên quan đến thẩm mỹ thư pháp của người đời sau ra đời là do cách viết chữ khác nhau của bút lông, chẳng hạn như vuông và tròn, hư và thực, khô và ướt, nhanh và chậm, khéo léo và vụng về. Những từ vựng thẩm mỹ riêng này được hoàn thiện và ngày càng phong phú, tiến tới xây dựng hàm nghĩa thẩm mỹ độc đáo cho thư pháp cổ đại.
Bút lông ra đời sớm nhất được làm từ lông chim, sau đó dần thay thế bằng lông thú, trong đó phổ biến nhất là lông thỏ. Lông thỏ được lấy trên lưng con thỏ vào mùa đông. Lông thỏ cứng và tính đàn hồi rất tốt để làm bút lông. Theo tài liệu sử, bút lông Vương Hy Chi thường dùng được làm từ râu của con chuột.
Bút lông ra đời sớm nhất được làm từ lông chim
sau đó, bút lông được làm từ lông thú, trong đó phỏ biến nhất là dùng lông thỏ
Năm 1954, người ta đã phát hiện cây bút lông sớm nhất còn tồn tại hiện nay trong ngôi mộ thời Chiến Quốc ở Trường Sa - tỉnh Hồ Nam. Cán bút có đường kính 4 mm, trình độ chế tác mảnh nhỏ không thua kém gì ruột bút bi ngày nay. Bút lông tương đối dài và mảnh.
Vào năm 1975, trong một ngôi mộ đời Hán ở Kinh Châu thuộc tỉnh Hà Bắc đã khai quật ra một cây bút lông khác. Niên đại ra đời của nó muộn hơn so với cây bút lông được tìm thấy ở ngôi mộ thời Chiến Quốc tỉnh Hồ Nam.
Sự biến hóa cây bút thích hợp cho nhiều cách viết chữ.
Năm 1985, ở Liên Vân Cảng - tỉnh Giang Tô, người ta đã phát hiện một cây bút có hình dáng tương tự, ước tính niên đại ra đời của nó là vào thời Tây Hán. Ba cây bút lông được tìm thấy ở 3 nơi khác nhau với ba niên đại khác nhau, nhưng hình dáng bút lông rất giống nhau. Các chuyên gia suy đoán, tạo hình của cây bút được thiết kế để thuận tiện viết kiểu chữ nhỏ trên thẻ gỗ.
Sau đời Hán, cán bút lông to dần. Hình dáng của nó không có nhiều khác biệt với cây bút lông đời sau. Sự biến hóa cây bút thích hợp cho nhiều cách viết chữ.
Đầu thế kỷ trước, công cụ viết chữ kiểu dáng mới đã du nhập vào Trung Quốc – bút sắt chấm mực. Nguồn gốc của tên gọi này có liên quan đến ống hút của cây bút sắt, khi viết không cần chấm mực liên tục.
Mực có thể lưu lại vết tích màu đen nhìn thấy rõ. Đến đời Hán đã xuất hiện mực nhân tạo được làm từ than bùn và keo dính. Vào thời kỳ này, kỹ thuật chế tạo mực vẫn chưa phát triển, mực được làm thành từng khối hình tròn nhỏ và mài với nghiên mực. Mài mực theo vòng tròn cho đến khi nước mực dần đặc lại. Trong quá trình chuẩn bị tĩnh tâm như thế, viết chữ đã mang ý nghĩa văn hóa tu dưỡng phẩm hạnh.
Thỏi mực, nghiên mài mực và bút lông là những công cụ không thể thiếu trong nghệ thuật thư pháp
Mực sản xuất ở Huy Châu, tỉnh An Huy là loại mực tốt nhất. Sự biến đổi của màu mực phải biểu đạt thông qua tờ giấy. Sau đời Tống, kỹ thuật chế tạo giấy phát triển mạnh, các loại giấy với kích thước, đặc tính và tính năng khác nhau đã xuất hiện. Đặc biệt, tác phẩm thư pháp đời Thanh đều được viết trên giấy Tuyên Thành nổi tiếng.
Giấy Tuyên Thành được sản xuất ở Tuyên Châu - tỉnh An Huy. Giấy Tuyên Thành trắng mịn, chất giấy dai bền, khó rách, không bị mọt đục, hút nước đều và để được lâu.
Bề mặt giấy Tuyên Thành
Giấy Tuyên Thành trắng mịn, chất giấy dai bền, khó rách, không bị mọt đục, hút nước đều và để được lâu
Một tác phẩm thư pháp đẹp phải có sự nghiên cứu tỉ mỉ cách dùng bút, kết cấu bố cục chữ và mực viết. Tất cả kỹ nghệ thống nhất tình cảm, khí chất và nghệ thuật tu dưỡng của thư pháp gia. Yêu cầu nghệ thuật thư pháp càng được nâng cao, làm xuất hiện quan niệm thẩm mỹ độc đáo của công cụ viết chữ : bút, mực, giấy, nghiên. Chúng được gọi là văn phòng tứ bảo.
Văn phòng tứ bảo dần thoát ly khỏi nghệ thuật thư pháp, trở thành một loại nghệ thuật riêng.

Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

Ý nghĩa của câu "NGŨ PHÚC LÂM MÔN" trong tranh thủy mặc

Ý nghĩa của câu "NGŨ PHÚC LÂM MÔN" trong tranh thủy mặc







Tranh Ngũ Phúc Lâm Môn tác giả Dương Minh Hoàng


Ngũ phúc là:
Phúc thứ nhất là “trường thọ
phúc thứ hai là “phú quý
phúc thứ ba là “khang ninh
phúc thứ tư là “hiếu đức

phúc thứ năm là “thiện chung

Trường thọ là không bị chết non, phúc thọ là lâu dài. 
Được ví trong tranh là biểu tượng của đứa trẻ nhỏ đứng bên cây tùng. 
Thể hiện cho sự thọ hưởng từ bé đến lớn không thay đổi.
Phú quý là tiền của rất nhiều, địa vị tôn quý. 
Hoa mai được ví như một loài hoa thanh cao không dành riêng cho bất cứ địa vị nào. 
Nhưng cái chất khoe sắc, um tùm, lộc biếc chồi xanh luôn trở mình vào đầu năm chính là điềm may mắn và cân bằng hơn khi một bé gái cầm nhánh mai này.
Thế hiện cho phú quý cân bằng cùng càn khôn.
Khang ninh là thân thể khoẻ mạnh, tâm hồn yên ổn. 
Có một cậu bé đứng tựa bên bụi tre thể hiện cho sự trẻ trung và bền vững.
Hiếu đức là tính lương thiện, nhân hậu, bình tĩnh. 
Đóa hoa mẫu đơn thể hiện cho một sự rực rỡ khoe sắc được chú bé hái về dâng tặng các đấng sinh thành, như đã thể hiện rõ tính chất hiếu thuận, thiện lương của đức tính và tình cảm này
Thiện chung là có thể tiên liệu thời kỳ chết của mình. 
Khi lâm chung không gặp tai họa, thân thể không đau đớn vì bệnh tật, trong lòng không vương vấn và phiền não, ôn hoà tự tại rời khỏi nhân gian. Đào tiên được xem là biểu tượng của sự trường thọ và tránh tai ách. 
Qua hình ảnh đứa bé ôm trái đào ta sẽ cảm nhận được sự trung thực, thánh thiện qua cuộc sống thường nhật.
5 Hình ảnh trẻ thơ và 5 hình ảnh rất quen thuộc của văn hóa phương đông như cây Tùng trường thọ, hoa mai phú quý, Trúc trường tồn khỏe mạnh, hoa mẫu đơn sung túc hiếu thuận, trái đào tiên mang sức khỏe an lành.
 Đã gói gọn những cảm xúc và tình cảm mà tác già đang muốn thể hiện chia sẻ.
Tựu chung lại, Một là cầu sống lâu trăm tuổi, hai là cầu mong vinh hoa phú quý, ba là cầu tốt lành bình an, bốn là cầu làm thiện (góp) giữ đức, năm là mong đến già chết nhẹ nhàn thanh thản.
Được cả ngũ phúc có thể coi là cuộc đời hạnh phúc mỹ mãn, một khi thiếu điều nào có thể gọi là không hay. 
Ví dụ nói có người tuy trường thọ mà ít phúc, có người thọ 100 tuổi mà sống nghèo, có người phú quý lại đoản mệnh, có người phú quý nhưng vô cùng lao tâm khổ tứ, có người thoả mãn với cuộc sống thanh bần nhàn du, có người nghèo hèn mà thiện chung, có người phú quý trường thọ nhưng cuối đời gặp tai họa chết bất đắc kỳ tử.
 Cảnh ngộ cuộc đời phức tạp nhiều không kể hết.
Ðó là mới nói đến sự biến hóa của ngũ phúc. 
Khi có đủ ngũ phúc mới được gọi là thập toàn thập mỹ, còn các trường hợp còn lại đều là tốt đẹp không trọn vẹn. Còn gọi là ngũ phúc khiếm khuyết.

Theo quan điểm của Phật giáo, trong ngũ phúc, phúc thứ tư – Hiếu đức - là quan trọng nhất, là nguyên nhân.
Còn Trường thọ, Phú quý, Khang ninh và Thiện chung là kết quả. 
Đời nay có được sự trường thọ, phú quý, khanh ninh là kết quả của đời quá khứ đã rộng chứa những âm đức, còn thiện chung chủ yếu là do kết quả của đời nay đã vung trồng những đức tốt.
Vì có cái đức lương thiện, nhân hậu, hiền hoà được coi là “phúc tướng” tốt nhất.
 Ðức là nguyên nhân và cái gốc của phúc. Phúc là biểu hiện kết quả của đức.
Con người với “phúc - hiếu đức” đôn hậu thuần khiết, lúc nào cũng bố thí, hay làm việc thiện, tích nhiều âm đức, mới có thể bồi dưỡng 4 phúc khác, làm cho nó không ngừng phát triển.

Nguồn: THƯ PHÁP MINH HOÀNG

Những Điều Cần Làm Cho Một Kế Hoạch Kinh Doanh Thư Pháp

Những Điều Cần Làm Cho Một Kế Hoạch Kinh Doanh Thư Pháp



I. Định Hình Phong Cách:
Việc định hình phong cách sáng tác sẽ giúp ta xác định phong cách, thể loại và khuynh hướng sáng tác hiện tại hoặc trong 1 khoảng thời gian nào đó.

- Đối với Nhà Quản Trị Gallery : Đây là việc xác định nhóm, loại hàng hóa, dịch vụ mà Gallery sẽ kinh doanh. Điều này sẽ là nền tảng để xác định Khách Hàng mục tiêu, giá cả, vị trí cửa hàng, Design cửa hàng, phương thức bán hàng, Phương thức quảng Quá và Chiêu thị cũng như hoạch định chiến lược quản trị Gallery.
- Đối với Nhà Sáng Tác: Việc định hình này không hề khống chế sự sáng tạo mà còn giúp sáng tạo có định hướng , có chiều sâu,.. tạo bản lĩnh và phong cách riêng cho tác phẩm.

Để làm được điều này, chúng ta sẽ trả lời chi tiết và chính xác các câu hỏi sau :

a. Các thể loại tranh Thư Pháp chính : TP sơn dầu, TP thủy mặc, TP có tranh minh họa, Tp chính thống,....
b. Hình thức: chữ lãng mạn, mạnh mẽ, gai góc, thanh lịch, .....
c. Chất liệu: mành tre, toan, dó, xuyến, mĩ thuật... hay khung, loại khung,...
d. Kích thước ưu thế: 30x70, 30x30,....
e. Thế mạnh màu sắc : tông màu, sắc độ,...

II. Đối Tượng Yêu Thích:
Dựa vào Phong cách và / người yêu thích/các KH mua tranh ngẫu nhiên từ trước đến giờ mà xác định các yếu tố sau
f. Đối tượng ưa thích: người lao động, Cán bộ công nhân viên, người về hưu, người kinh doanh, công ty, du lịch, ....
g. Thu nhập đối tượng (tháng)
h. Thể loại yêu thích từng đối tượng
i. Độ tuổi, giới tính
Lưu ý :
- Đôi khi Đối Tượng rất yêu thích 1 tác phẩm nào đó nhưng thu nhập ko tương xứng.
- Dựa vào đối tượng cũng là phương hướng sáng tác.

III. Vị Trí Phòng Tranh
j. Nơi tụ tập các Đối Tượng yêu thích
k. Chi phí thuê phù hợp với mật độ đối tượng và thu nhập đối tượng ( ko làm tăng giá tranh quá cao)
l. Thiết kế và trang trí phù hợp đối tượng
m. Sắp xếp tranh theo đối tượng ưu tiên
IV. Giá Bán
n. Giá bán từng thể loại thích hợp dựa vào f, g, h,i.
o. Và chi phí mặt bằng, điện , nước, lương và thiết kế
Lưu Ý: Nhân viên phòng tranh phải đạt các yêu cầu giao tế phù hợp với Đối tượng yêu thích. Phải có tiêu chuẩn đánh giá và bảng mô tả công việc rõ ràng để đánh giá và tính lương, huê hồng.

V. Quảng Bá
Phương pháp và hình thức quảng bá phù hợp f, g, h, i, k và n
p. Các hình thức cho chữ vào các ngày đông Đối tượng tại khu phố.
q. Các tọa đàm chủ đề
r. Lớp học miễn phí
s. Các sinh hoạt, sự kiện định kỳ phù hợp

VI. Truyền Thông
t. Website hay blog được thiết kế phù hợp với Phong cách và Đối tượng yêu thích (f, g, h, i, k)
u. Quảng bá online trên các mạng có nhiều Đối tượng yêu thích (f, g, h, i, k)

Lưu ý : Website hay blog cũng là cửa hàng online thích hợp cho các nhà Thư Pháp tự do . vì thế phải có 1 chính sách quản trị và chiến lược kinh doanh trực tuyến phù hợp.

VII. Quản Trị Gallery

1. Qui trình quản lý bán hàng
2. Qui trình quản lý đặt hàng.
3. Qui trình quản lý nguyên vật liệu
4. Qui trình chế tác nguyện vật liệu
5. Qui trình sáng tác
6. Qui trình quản lý chi phí.
7. Qui trình Tài chính và phân tích chi phí , đầu tư.
8. Qui trình Nhân sự: đánh giá , tuyển dụng và đào tạo
9. Qui trình quản lý truyền thông và bán hàng trực tuyến
10. Qui trình quản lý đại lý
11. Qui trình quản lý và phân tích rủi ro.
12. Qui trình hậu mãi

Sưu tầm http://www.facebook.com/groups/385445134851107/permalink/443835085678778/ 

Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2012

Học sinh trường làng Bình Đình thi viết thư pháp


Những nét bút tuy còn run run, ngượng ngùng nhưng với sở thích mê môn nghệ thuật thư pháp những “anh đồ” của Trường THPT Nguyễn Hữu Quang (xã Cát Hưng, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) đã làm người xem tấm tắc khen ngợi.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Thành lập Đoàn Thành niên cộng sản Hồ Chí Minh 26/3, Trường THPT Nguyễn Hữu Quang đã tổ chức nhiều trò chơi bổ ích cho các em học sinh như: văn nghệ, thi nấu ăn, cắm hoa…  


Bình Định: HS trường làng thi viết thư pháp nhân Ngày 26/3
Học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Quang (xã Cát Hưng, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) hào hứng cùng tham gia phần thi trổ tài nấu ăn.
Đặc biệt, tại lễ kỷ niệm, nhiều học sinh hào hứng tham gia màn thi nghệ thuật viết thư pháp. Tham gia thi cuộc thi năm nay, có 8 đôi với 16 học sinh của trường. Chủ đề viết thư pháp về tình yêu hương đất nước, cha mẹ, thầy cô, bạn bè…

Bình Định: HS trường làng thi viết thư pháp nhân Ngày 26/3
8 cặp thí sinh thi tài viết thư pháp.
Bước vào cuộc thi, cặp thí sinh Nguyễn Văn Thân và Nguyễn Thị Cẩm Thế (HS lớp 12 A3) được đánh giá là xuất sắc hơn, khi chưa hết thời gian, hai bạn đã viết và vẽ trang trí xong hai bức thư pháp với câu: “Ơn thầy nghĩa bạn tình sâu; trường xưa lối cũ để lâu càng bền”.

Bình Định: HS trường làng thi viết thư pháp nhân Ngày 26/3
Đôi bạn Nguyễn Văn Thân và Nguyễn Thị Cẩm Thế.
Trong khi đó, các thí sinh còn lại phải sử dụng hết thời gian 90 phút cho bài thi. Tuy những nét bút của các em còn ngượng ngùng nhưng dần dần những bức thư pháp đã nhanh chóng hoàn thành với sự ngưỡng mộ của thầy cô giáo và các bạn học sinh trong trường.

Bình Định: HS trường làng thi viết thư pháp nhân Ngày 26/3
Sản phẩm của các ông bà đồ học sinh sau 90 phút trổ tài.

Bình Định: HS trường làng thi viết thư pháp nhân Ngày 26/3
Bức thư pháp được thầy cô đánh giá cao của cặp thí sinh Nguyễn Văn Thân và Nguyễn Thị Cẩm Thế.

Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2012

Thư pháp Việt-điều thần diệu nơi tâm hồn


Thư pháp tiếng Việt cứ le lói, âm ỉ như một ngọn lửa nhỏ, bỗng bùng lên mạnh mẽ từ đầu thiên niên kỷ này. Hầu như chỗ nào ta cũng bắt gặp thư pháp tiếng Việt. Thư pháp trên tranh, trên bìa, trong tập thơ, đông đảo nhất là thư pháp trên lịch và tờ treo trong nhà.


Bùi Hiển chạy khắp Bắc, Trung, Nam để triển lãm thơ Bùi Giáng mà Bùi Hiển thể hiện bằng thư pháp. Tờ thư pháp của Hiển được đón chào bằng những nụ cười hóm hỉnh là câu:

"Dạ thưa xứ Huế bây chừ
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương"

Trong Sài Gòn, nhà thơ Trụ Vũ có cả một xưởng thư pháp. Ông viết thư pháp trên giấy, trên lụa, trên đĩa sành sứ. Và ông còn có cả một cửa hàng bán thư pháp.

Ở Huế cũng hình thành một câu lạc bộ thư pháp. Tiểu biểu nhất là thư pháp của nhà thơ Nguyệt Đình. Ông trình bày thư pháp rất thành công trên những tấm gỗ xẻ chéo thân cây còn nguyên vỏ, rất được công chúng tán thưởng. Nhà thơ Minh Dức Triều Tâm Ảnh, vị sư trụ trì chùa Huyền Không, ông ở một am nhỏ trong rừng nhưng rất được nhiều chúng sinh lên xin thư pháp về thờ, về treo trong nhà.

Theo cách định nghĩa: thư pháp là tranh chữ, thì cách trình bày chữ Việt trên giấy, trên đá, trên gỗ, trên đĩa cũng xứng đáng là một bức tranh. Tôi đã gặp trong một ngôi nhà cổ ở thị xã Hội An một đôi câu đối, mà mỗi nét chữ Nho đều được thể hiện bằng một dáng chim. Cả hai câu đối là một quần thể chim rất sinh động, như một bức tranh chim hoành tráng. Có thể gọi là thư pháp vẽ được chăng.

Trò chuyện với nhà thơ Trụ Vũ, tôi nói với ông: "Thư pháp Trung Quốc coi như đã định hình. Đọc sách, tôi biết các nhà thư pháp Trung Quốc rất khổ công trong luyện chữ. Vương Hy Chi luyện bút trong 15 năm; cháu ông Vương Thiền Sư luyện bút trong 40 năm; Trương Chi mỗi lần tập viết xong, rửa bút ở ao, lâu ngày nước ao đen như mực. Nói về hòa thượng Thích Hoài Tố viết thư pháp, sách chép: "Hoài Tố thuở nhỏ nhà nghèo, không tiền mua giấy, phải viết chữ trên lá chuối. Nhờ xem những áng mây vần vũ, nhìn các nét rạn nứt trên tường... chợt lĩnh hội bút ý. Nét bút của ông phóng khoáng, phiêu dạt, mảnh mai thần diệu, thuận tay biến hóa như gió loạn mây cuồng, nhưng không loạn quy củ. Thật là kinh dị". Thế mới thấy thư pháp của ông điêu luyện chừng nào! Trụ Vũ đáp: "Không thần diệu không thể viết thư pháp được". Tôi hỏi: "Chữ Trung Quốc có các nét chính: chấm, phẩy, gạch ngang, xổ dọc, hất lên, quai xước. Mỗi nét đã có chuẩn mực, có hình tượng, bản thân mỗi chữ Nho ấy đã là một bức tranh. Chữ Việt thì sao?". Ông đáp: "Viết thư pháp là thể hiện cái hồn của mình. Có câu: "Nhìn chữ biết người" là vậy. Chữ Việt đâu thiếu đường nét ấy. Chẳng qua họ quá quen với chữ Nho, nên nghi ngại thư pháp chữ Việt. Này nhé, xưa, thời cổ trung đại của Trung Quốc, bấy giờ mới có tranh thủy mạc. Từ đó đến nay, mới có thể kể đến tranh màu nước, tranh sơn dầu, tranh lập thể, tranh trừu tượng. Các loại tranh ấy đều được yêu mến, trân trọng và đặt cho cái tên rất đỗi tự hào: Hội họa hiện đại. Rõ ràng, không kể loại hình mà phải kể tới tâm hồn người họa sĩ. Vậy thì chữ Nho cứ coi như một loại tranh, chữ Việt sao không thể gọi là một loại tranh được. Điều cốt yêu của thư pháp, như tôi nó, là cái thần diệu nơi tâm hồn mình".

Với 41 năm nghiên cứu và viết thư pháp, Trụ Vũ cho biết, trước ông, ông đã thấy có hai nhà thơ viết thư pháp tiếng Việt, đó là nhà thơ Vũ Hoàng Chương và nhà thơ Đông Hồ. Năm 1964, nhà thơ Đông Hồ tới thăm hòa thượng Trí Chủ, trụ trì chùa Già Lam thọ 60 tuổi, ông đã viết tặng hòa thượng một câu đối tiếng Việt:

"Bảo quốc 300 năm giặc nào phá nổi
Hòa thượhg 60 tuổi pháp độ quần sanh"

Đọc từng vế đối, thật chưa chỉnh, nhưng cái hồn của tác giả không chê vào đâu được. Một tấm lòng với nhau mà. Xin nói thêm, Bảo Quốc là chùa Bảo Quốc ở Huế, hòa thượng Trí Chủ tu hành ở đây và từ đây ra đi. Chưa nói đến nội dung câu đối, mà điều đáng nói là chữ viết thật dịu dàng, nhu hòa, chất phác mà điêu luyện. Có thể coi đây là bức thư pháp đầu tiên bằng tiếng Việt, hiện đang còn lưu giữ tại tịnh thất hòa thượng Trí Chủ ở chùa Già Lam, Sài Gòn.

Hai lần Festival ở Huế năm 2000 và 2002 vừa qua, cùng với mấy chục điểm biểu diễn văn hóa nghệ thuật khác, ngay trên bờ sông Hương, trước cửa Quảng Đức của thành nội, bên cạnh Phu Văn Lâu có "Trại thư pháp" của Huế. Khách đến tham quan và xem tranh chữ rất đông, dù điểm ấy không hoành tráng, không kỳ công, diêm dúa, mà giản dị, chất phác, gần gụi. Khách đến và đi như ở nhà mình.

Các nhà thư pháp viết thư pháp treo trên tường nhà. Có người đến nhờ các nhà thư pháp viết cho mình một tờ theo ý mình, tên mình hoặc một câu thơ mà mình thích. Khách xin nhà sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh câu thơ đầy chất thiền của ông:

"Ta cúi xuống nhặt hạt sương trên cỏ
Bỗng thấy áo tiền nhân còn ướt chưa khô"

đến xin nhà thơ Nguyệt Đình một câu thơ "rất sông Hương" và cũng lồng lộng tâm hồn Cao Bá Quát "Sông dài như kiếm dựng trời xanh". Đám trẻ thì cứ quấn lấy Bùi Hiến, anh dễ hòa đồng với bọn trẻ. Khách rất thích thư pháp một chữ của Hiến: "Đức", "Nhân", "Nghĩa"... Song đẹp nhất phải nói tới cách Hiến tủm tỉm nâng vạt áo thiếu nữ Huế và đề thơ lên đó.

Thư pháp chữ Việt lặng lẽ đi, và phát triển qua bao thử thách. Giờ đây nó thật sự được yêu mến. Cuộc hành trình thư pháp tiếng Việt không ồn ào, song đầy mong chờ. Xin các nhà thư pháp một chữ "Tín" bằng thư pháp tiếng Việt mình, để tỏ lòng ngưỡng mộ và kỳ vọng của chúng tôi.

(Theo Heritage)

sưu tầm