Mỗi khi nhắc đến thư pháp, người ta lại nghĩ đến bài thơ "Ông đồ" của Vũ Đình Liên, thư pháp như một sự hoài cổ về quá khứ. Những người đến với thư pháp trong suy nghĩ của nhiều người cũng là những người hoài cổ với một cuộc sống tĩnh lặng, hướng về quá khứ.
Thế nhưng với Dương Minh Hoàng thì đó là một thế giới khác, một thế giới trẻ trung sôi động của một người trẻ đầy nhiệt huyết và đam mê nghệ thuật thư pháp.
- Niềm đam mê thư pháp đến với bạn từ khi nào?
- Cách đây hơn 10 năm, trong một lần cùng những thầy cô tại trường đi xem triển lãm những dòng tranh của các họa sĩ nước ngoài, tôi rất thích thú với một số dòng tranh chữ của Tây Phương. Thay vì vẽ tranh phong cảnh, vẽ chân dung người thì những bức tranh này dùng những con chữ thành một bức tranh. Từ đó tôi tập viết theo bản năng và niềm đam mê hội họa vốn có trong con người.
Ban đầu thì cũng không có bút lông để viết mà phải viết bằng loại bút vẽ tranh. Sau hơn hai năm tôi tìm đến các câu lạc bộ, các nhóm triển lãm tranh thư pháp nhưng số lượng câu lạc bộ như thế này rất ít. Tôi tìm đến các ngôi chùa vì lúc bấy giờ, thư pháp chủ yếu được viết và treo trong các chùa chứ không như bây giờ thư pháp có thể dễ dàng tìm học, ở các hội chợ, phố ông đồ…
Trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, tập luyện dần dần trở thành niềm đam mê, ý thức ăn sâu trong con người tôi đến nay.
- Không chỉ viết thư pháp mà bạn còn đứng lớp giảng dạy về thư pháp Việt. Là một người trẻ, khi đứng lớp dạy trước bao người, có cả những người lớn hơn bạn rất nhiều về tuổi đời và kinh nghiệm sống, làm sao bạn thuyết phục họ tin vào những gì bạn chia sẻ?
- Khi nhìn vào các vị lớn tuổi, người ta sẽ tin tưởng vì sự già dặn về tri thức, tuổi đời và kinh nghiệm sống. Khi nhìn vào những người trẻ làm thư pháp như tôi, người ta sẽ ngờ vực về vấn đề tuổi tác so với những kiến thức mà tôi truyền đạt. Người ta có thể khẳng định một điều là bạn trẻ viết thư pháp nhưng liệu những kiến thức đó bạn trẻ có hiểu không? Đó là một suy nghĩ đúng.
Riêng tôi, tôi chia sẻ dựa theo những quan niệm và kinh nghiệm ông bà ta để lại. Lời nói của tôi được trau chuốt hơn, gọt giũa hơn dựa theo những tư duy của người xưa và đó là giọng văn mà tôi có thể chia sẻ. Chấp nhận hay không chấp là những quyết định của những người nghe.
Khi chia sẻ về thư pháp, tôi chỉ định hướng thư pháp là một loại hình viết chữ và tư duy cho mọi người để phát triển và tìm hiểu nó như thế nào, tôi không bao giờ ép buộc học viên phải theo chiều hướng, theo những quan niệm của tôi. Tôi là người khơi gợi, còn hướng phát triển sẽ do mỗi người tự chọn theo hướng mà họ tư duy.
- Ngày nay, giới trẻ có quá nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, việc thu hút giới trẻ đến với nghệ thuật thư pháp là một khó khăn, bạn làm cách nào để khơi dậy niềm đam mê thư pháp trong giới trẻ?
- Đó là sự tò mò! Các bạn trẻ đến với thư pháp đều bắt đầu bằng sự tò mò, sau đó là sự tự hào về văn hóa dân tộc. Nếu như tôi chỉ đơn thuần giới thiệu đây là loại hình nghệ thuật thư pháp thì nó sẽ trở nên rất đỗi bình thường. Khi tôi giới thiệu đây là loại hình thư pháp Việt, chữ Việt, con người Việt, tâm hồn Việt thì tự dưng nó sẽ trở thành một điều để các bạn chú ý, các bạn sẽ tự hỏi ngay thư pháp Việt khác thư pháp các nước Trung Hoa, Nhật Bản thế nào?
Tìm hiểu thư pháp Việt vô hình dung lại khơi dậy lòng tự hào văn hóa dân tộc của các bạn trẻ. Có sự tò mò, sự tự hào thì các bạn mới đến tìm hiểu và chia sẻ thư pháp Việt.
- Khi có quá nhiều những tác phẩm thư pháp thì đâu là sự khác biệt giữa thư pháp Minh Hoàng và tác phẩm của những những người làm thư pháp khác?
- Tôi là một nhà thư pháp trẻ, chia sẻ của tôi mang tính chất định hướng tư duy cho người khác về thư pháp. Các tác phẩm của tôi luôn thể hiện được chất Việt trong đó. Các nhà thư pháp khác thể hiện bằng những tư duy khác hơn, dùng thư pháp để thể hiện tính thiền trong Phật giáo, dùng thư pháp để thể hiện nho giáo như đạo lý, cuộc đời mà các tác phẩm bạn vẫn thường thấy như các chữ Tâm, chữ Nhẫn, chữ Đạo. Còn có người chỉ đơn thuần thể hiện bút lực và khả năng của họ chứ tác phẩm không mang một ý nghĩa nào. Tôi luôn làm một tác phẩm thư pháp có ý nghĩa và khiến người ta tư duy về ý nghĩa của nó nhiều hơn.
Tất cả các loại hình nghệ thuật đều có hai mục đích hướng tới. Một tác phẩm mang tính nghệ thuật để mọi người thưởng thức và loại sản phẩm cung ứng cho thị hiếu của thị trường, mang tình chất ứng dụng, mỹ nghệ nhiều hơn. Tôi xác định những sáng tác của mình thuần là những sáng tác thiên về thưởng thức nhiều hơn, đi dần đến xu hướng nghệ thuật hơn là xu hướng tiêu dùng.
Thư pháp của tôi luôn phá cách và ứng dụng được những điều căn bản của những loại hình nghệ thuật khác như mỹ thuật, hội họa, điêu khác. Vì vậy tác phẩm của tôi mang tính giao thoa nhiều hơn.
- Nhưng thực chất bạn vẫn đang kinh doanh niềm đam mê của mình?
- Việc cung ứng cho thị trường, cho xã hội tất nhiên cũng phải cần để tôi có thể tồn tại và duy trì niềm đam mê của tôi. Tôi có nhiều cách để tạo ra nguồn thu nhập trong cuộc sống: cung ứng các sản phẩm làm quà lưu niệm cho các nhà sách, vẽ tranh, viết thư pháp gửi các phòng tranh, tổ chức các chương trình sự kiện. Những người làm kiến trúc, nội thất cũng hay nhờ tôi thiết kế.
Bên cạnh đó tôi có một nguồn thu nhập mặc dù không nhiều nhưng cũng đáng kể là mở lớp dạy, chia sẻ kiến thức với những người cùng đam mê.
Nhưng việc cung ứng và vẫn giữ được phong cách, nét đặc trưng của riêng mình là hai chuyện khác nhau. Nhưng hơn hết xu hướng nghệ thuật luôn được tôi chú trọng và tập trung nhiều.
- Về cuộc sống của bạn , một nhà thư pháp trẻ, có phải đó là hình ảnh một ông đồ với chiếc áo dài khăn đống, bút lông, với những quyển sách ca dao, tục ngữ, thơ văn xưa…?
- (Cười lớn) Xuất phát điểm của tôi là một người trẻ nên thú vui giải trí cũng giống như những bạn trẻ khác, nghe nhạc, xem phim, tán gẫu cùng bạn bè… Tôi không tự lập cho mình một cuộc sống lập dị. Càng hòa nhập vào cuộc sống, càng gặp gỡ mọi người tôi càng có thêm kinh nghiệm sống, có thêm nguồn cảm hứng và tư duy sống càng phát triển, học hỏi nhiều hơn, rèn luyện và nâng cao chất lượng nghệ thuật cho các tác phẩm của mình. Những tác phẩm của tôi cũng gần gũi và có thể hòa nhập vào cuộc sống.
Tôi thích đi cà phê, gặp gỡ bạn bè ở những quán trà hay đến nhà các bạn. Nhiều người vẫn cho rằng người trẻ theo nghệ thuật thư pháp sẽ sống lập dị, già trước tuổi,…nhưng thật sự thư pháp có thể làm cho người ta già trước tuổi, cũng có thể làm cho người ta trẻ hóa đi, năng động.
Nếu người nào luôn luôn có sự tìm tòi, sáng tạo người đó sẽ trẻ hơn. Rất nhiều bạn trẻ trước khi đến với thư pháp, tính các bạn rất trầm, nhưng khi tham gia với thư pháp rồi các bạn sôi động hẳn lên. Các bạn có cơ hội hòa nhập vào một cộng đồng, các bạn cảm thấy chia sẻ được với cộng đồng đó, tự dưng các bạn cảm thấy gần gũi và trở nên sôi động.
Đừng nghĩ rằng thư pháp rất tĩnh lặng, rất trầm, mọi người hãy đến với thư pháp đi, mọi người sẽ thấy được sự sôi động của con chữ và sự sáng tạo không ngừng của môn nghệ thuật này.
- Với hơn 10 năm theo đuổi niềm đam mê của mình, bạn thấy mình đã làm được những gì cho thư pháp Việt?
- Tôi nghĩ mình đã góp phần cho thư pháp Việt một vài yếu tố. Tôi đã mở gần 100 lớp về nghệ thuật thư pháp ngắn có, dài có, có lớp ngắn nhất chỉ một buổi, có lớp đến nửa năm. Tham gia trên 50 cuộc triển lãm lớn nhỏ.
Thời gian vừa qua tôi đã cùng bảy người bạn thực hiện một cuốn sách thư pháp khổng lồ về 100 lời nói tiêu biểu của chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước.
Trong tương lai tôi đang ấp ủ xuất bản hai quyển sách: căn bản lý thuyết và thực hành về thư pháp chữ Việt, một quyển giới thiệu các tác phẩm chính tôi. Đến bây giờ, tôi còn viết thư pháp là một thành quả lớn.
- Bạn có mong muốn một điều gì cho bạn nói riêng và những người làm thư pháp nói chung?
- Hiện tại, tôi cùng những người làm thư pháp có một mong muốn là có một cơ quan có thẩm quyền có thể bảo trợ cho nghệ thuật thư pháp. Với các loại hình nghệ thuật khác như văn thơ thì có hội nhà văn, hội nhà thơ, vẽ thì có hội mỹ thuật, phim ảnh thì có điện ảnh… Nếu có hội thư pháp bảo trợ, những người viết thư pháp có thể yên tâm đóng góp cho nghệ thuật thư pháp, phát triển nghệ thuật thư pháp Việt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét