Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

Chàng “lập dị” và giấc mơ ông đồ


TTCT - Định cư tại Mỹ gần chục năm nhưng mỗi lần về nước, Vũ Đăng Học lại mang theo trong vali lỉnh kỉnh bút vẽ, áo dài khăn đóng, giấy trắng... chứ không phải là iPod, O2, laptop Apple sành điệu như bao người trẻ khác.


Vũ Đăng Học bên quyển thơ thư pháp của mình

“Lập dị”

Chính người nhà Học cũng không khỏi hoài nghi và lo lắng bởi ngoài những buổi tới Trường Mission (bang California), hầu hết thời gian còn lại Học đều chui vào căn phòng ngập tràn giấy và nghiên mực, chăm chút ngồi tô từng nét chữ chứ không đam mê Facebook, game, tham gia câu lạc bộ như chúng bạn.

Sở dĩ có sự trái khoáy đó vì Học đã trót đam mê nghệ thuật thư pháp. Năm 1999, Học được giáo viên chủ nhiệm tặng cuốn sách họa. Thuở ấy chỉ biết vẽ đôi ba nét chập chững nhưng cậu đã bị hút hồn vào cuốn sách thư pháp. Không tìm được nơi học bài bản, Học tự mày mò trên mạng để theo đuổi sở thích này.

Đường đi cũng lắm chông gai. Học phải giấu gia đình chuyện mình “cả gan” xách tranh thư pháp ra công viên bán “chui” (để thăm dò dư luận) dẫu gia đình khá giả, rồi chịu đựng... muỗi chích tại công viên Tao Đàn vào buổi tối (do cả ngày cậu bị bảo vệ và công an đuổi) và sự chọc ghẹo của nhiều người...

Mối duyên với thư pháp vừa chớm thì Học phải cùng gia đình qua Mỹ định cư. Ở VN không dễ theo đuổi môn thư pháp thì qua Mỹ càng khó.

“Nhiều người cho rằng tôi... chập mạch khi qua Mỹ mà vẫn quyết theo đuổi nghiệp làm ông đồ. Nhưng tôi chỉ có mong ước trở thành ông đồ ngồi cho chữ mọi người. Hình ảnh đó với tôi là đẹp nhất” - Học mơ màng.

Thành công

Phát hiện tài liệu về thư pháp ở VN còn quá khan hiếm, Học quyết định táo bạo: viết sách! Kết quả của sự liều lĩnh ấy là hai cuốn sách Hồn chữ Việt và Thư pháp Việt ra đời năm 2006 (NXB Văn Nghệ TP.HCM).

Thành công vượt mong đợi, cả hai cuốn đều được tái bản nhiều lần. Sau đó, Học được cả đài truyền hình Mỹ lẫn VN mời phỏng vấn và đặt cho biệt danh là “Chàng trai vàng của thư pháp Việt”... Học cũng được nhiều giáo sư, giảng viên lịch sử mời đến giao lưu, trò chuyện với sinh viên.

Thừa thắng xông lên, Học tiếp tục cho ra quyển thư pháp Việt bằng tiếng Anh W.E.Calligraphy, giới thiệu nghệ thuật thư pháp cho người Mỹ. Sự công phu của quyển sách đã khiến giáo sư Noel Harold Kaylor (ĐH Troy, Hoa Kỳ) phải thốt lên: “Một tác phẩm tuyệt vời!” và đồng ý chấp bút cho phần chỉnh sửa tiếng Anh.

“Tốn cả ngàn USD bay từ Mỹ về VN để quảng bá sách, sau đó lĩnh vài triệu đồng bản quyền là chuyện thường. Nhưng tôi đến với thư pháp Việt vì tình yêu thật sự, vì muốn chứng minh giới trẻ không hề quay lưng với nghệ thuật của cha ông nên có tốn bao nhiêu cũng mặc” - Học bộc bạch.

Chính vì sự say mê đó mà chàng trai 27 tuổi này được giáo sư Trần Văn Khê tặng những câu thơ đầy trìu mến: “Với cái nhìn Đăng Học, ta thấy rõ đạo đời. Tinh hoa con chắt lọc, tạo nét đẹp hiến đời. Con tạo nên kỷ lục, khó phá lắm con ơi...”. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét