Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012
Kỷ lục gia Trịnh Tuấn và Cuốn thư pháp khổng lồ
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu đó là một cuốn sách bình thường. Nhưng thật khâm phục khi biết rằng, đó là một cuốn thư pháp bằng gỗ, tập hợp 3 bản tuyên ngôn độc lập của Việt Nam: Nam quốc sơn hà (Lý Thường Kiệt); Bình ngô đại cáo (Nguyễn Trãi) và Tuyên ngôn độc lập (Hồ Chí Minh). Tác giả của cuốn sách có một không hai này còn rất trẻ - nhà thư pháp Trịnh Tuấn.
Chân dung “kỷ lục gia”
Tại triển lãm “60 năm đền ơn đáp nghĩa” tổ chức nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sỹ T (27/7) năm nay, gian trưng bày cuốn sách thu hút khá đông người xem. Mới 26 tuổi nhưng trò chuyện với Tuấn, bất cứ ai cũng ngạc nhiên vì lối suy nghĩ hoài cổ của anh. “Thế hệ trẻ giờ đây có nhiều điều kiện để học hỏi, nhưng điều quan trọng nhất là “phú quý lấy bần làm gốc”, nghĩa là không được phép quên quá khứ, ông cha ta đã phải hy sinh xương máu để chúng ta có được ngày hôm nay” – Tuấn tâm sự.
Sinh ra trong một làng quê nghèo ở Thanh Hoá, Trịnh Tuấn “say” mùi mực tàu, màu giấy đỏ, bút lông từ bài thơ Ông đồ (nhà thơ Vũ Đình Liên) khi tóc còn để chỏm. 7 tuổi, Tuấn đã tự động cắp cặp theo thầy giáo học chữ Hán. Thuở ấy, cái ăn còn chưa có nói chi đến chuyện có bút vẽ. Anh đã đập giập đầu tre làm bút, mài gạch non làm mực trong 10 năm trời, cần mẫn tập viết thư pháp cổ. Tốt nghiệp Khoa Văn (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội), Tuấn vào Nam lập nghiệp. Nhưng có lẽ, “nghiệp” thư pháp đã “ăn vào máu” nên dù trải qua nhiều nghề, anh vẫn không bỏ được cái thú mài mực, luyện chữ. Năm 2006, anh làm “chấn động” dư luận với cuốn thư pháp Truyện Kiều. Trọn vẹn 3.254 câu Kiều được anh thể hiện trên 3 khổ giấy, dài 300m, rộng 0, 84m. Cuốn Truyện Kiều “độc nhất vô nhị” ấy như một lời khâm phục của anh đối với đại thi hào Nguyễn Du. Mặc dù là giám đốc của một công ty truyền thông nhưng niềm đam mê thư pháp vẫn không ngừng thôi thúc Tuấn nỗ lực với mong muốn “góp một nét mực vào nền thi pháp Việt Nam”.
Trịnh Tuấn bên tác phẩm thư pháp
Và lòng tri ân
“Kỷ lục gia”, “ông đồ thời @”... là những từ mà người ngưỡng mộ tài năng của Tuấn dành cho anh khi xem cuốn thư pháp bằng gỗ. Nhưng Tuấn khiêm tốn: “Tôi không đặt cái danh trên mỗi tác phẩm. Điều tôi muốn làm chỉ là sự tri ân đối với thế hệ cha ông đi trước”. Vậy là, chỉ trong vòng 21 ngày, cuốn sách được hoàn thành trước sự thán phục của bạn bè. Cuốn thư pháp tập hợp 3 tác phẩm Tuyên ngôn độc lập ra đời vào 3 thời điểm khác nhau: Bài thơ Thần (Nam quốc sơn hà) của Lý Thường Kiệt (đầu thế kỷ XI); Bình ngô đại cáo của Nguyễn Trãi (thế kỷ XV), Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 1945), khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Toàn bộ cuốn sách được làm bằng gỗ vàng rè, một loại gỗ quý. Bìa 1 và 4 được chạm khắc tinh xảo. Hoa văn của gỗ đã góp phần tôn vinh đường nét của thư pháp. Nội dung 3 bản tuyên ngôn được thể hiện trên giấy xuyến cỡ lớn, bồi trên formech có độ dày khoảng 5mm. Nền cho các tác phẩm cũng được thiết kế, trình bày công phu với hoa văn của con rồng thời Lý, thời Lê và hoa sen. Dự định của Tuấn là, sau triển lãm ở Hà Nội trong kỷ niệm Quốc khánh 2/9, tác phẩm sẽ được triển lãm tại TP. Hồ Chí Minh, sau đó, anh tặng lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Anh Farnhamner, người Đức trầm trồ: “Cuốn sách kỷ lục tập hợp 3 bản Tuyên ngôn độc lập này chứa đựng kiến thức quan trọng giúp lớp trẻ hiểu thêm về lịch sử nước nhà. Đây là lần đầu tiên tôi biết đến một cuốn sách khổng lồ như thế và vô cùng xúc động trước tấm lòng của một bạn trẻ”.
Bằng lòng say mê, tâm huyết với loại hình nghệ thuật cổ, Trịnh Tuấn đã chứng tỏ rằng, lớp trẻ ngày nay không hề quên quá khứ oai hùng của dân tộc. Nhà sử học Dương Trung Quốc, khi xem tác phẩm của anh đã nhận xét: “Một ý tưởng độc đáo, lao động kiên trì, tấm lòng trong sáng đối với các bậc tiền nhân và di sản đã tạo nên phong cách thư pháp của Trịnh Tuấn”.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét